Chờ...

Hồi sinh rừng ngập mặn

(VOH) - Chiếc ghe của Tổ cơ động Hạt kiểm lâm Cần Giờ rì rì rẽ sóng sông Dinh Bà 2 đưa chúng tôi vào các phân khu trong rừng ngập mặn Cần Giờ.
 Rừng Cần Giờ. Ảnh minh họa.

Sáng tháng 5 trời trong, gió nhẹ, những con tàu nhẹ nhàng buông lưới, vài ngư phủ tranh thủ thời gian chờ cá nằm nghỉ ngơi. Ông Vũ Hoàng Chương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cần Giờ cười rồi nói, nhìn bên ngoài thấy rừng xanh yên ả, nhưng để được hơn 32 ngàn héc ta rừng ngập mặn như hiện giờ là biết bao mồ hôi, công sức kể cả máu của chính quyền và người dân đổ xuống. Chỉ về phía xa, ông Chương kể, cách đây 25 năm, rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ là một vùng đất chết, lơ thơ vài cây đước, mấm, bần, khi Cần Giờ được sát nhập về TPHCM, ủy ban nhân dân thành phố phát động chiến dịch trồng lại rừng, khôi phục hệ sinh thái ngập mặn. trái giống được đưa về từ Minh Hải, lực lượng thanh niên xung phong đóng vai trò to lớn trong chiến dịch này. Khi đã lên xanh, rừng được khoán cho gần 170 hộ dân cùng chăm sóc và bảo vệ với định mức hiện nay là 730 ngàn đồng một héc ta một năm, cao nhất nước. Tính trung bình một hộ dân nhận khoán 50 hecta rừng thì mỗi tháng hưởng lương hơn 3 triệu đồng.

Trong căn nhà lá ở tiểu khu 21, chốt số 13, phân khu 6, anh Huỳnh Văn Duyên vừa đi tuần rừng trở về, thấy có khách đến thăm anh Duyên mừng lắm. Giống như nhiều ngôi nhà của các hộ dân khác trong rừng, nhà anh Duyên đơn sơ tuềnh toàng, một cái chõng tre và vài vật dụng sơ sài khác. Vợ con ở trong xóm để tiện chăm sóc cha mẹ già và hai đứa con nhỏ, anh Duyên xung phong ở lại rừng. Cách đây 10 năm, ba anh nhận khoán gần 50 hecta rừng, những lần theo ba đi tuần đã khiến anh yêu quý khoảnh rừng này biết mấy, đến lúc ba đến tuổi nghỉ hưu, anh Duyên ký hợp đồng nhận khoán lại. Ngày hai lần, sáng, chiều anh Duyên đi tuần, dọc đường mang theo rập, tay lưới tranh thủ bắt thêm cá, cua nuôi gia đình. Anh Duyên tâm sự, đừng tưởng rừng ngập mặn mà yên ả, lắm lúc đi tuần gặp phải lâm tặc chặt cây, bắt thú, mới chỉ cảnh báo, nhắc nhở đã nhận được lời đe dọa cho xin tí huyết. Hỏi chuyện anh có sợ, có thấy nản không anh Duyên chỉ cười hiền rồi nói:

Chúng tôi đến nhà bác Huỳnh Văn Thơ ở tiểu khu 22, chốt bảo vệ rừng số 7 khi người con trai đã đi tuần. Năm nay bác Thơ đã 67 tuổi, 10 năm trước bác nhận khoán 50 hecta rừng để quản lý, bảo vệ và chăm sóc, 3 năm sau lúc đến tuổi nghỉ hưu thì chuyển cho con trai. Gọi là về nghỉ nhưng từ lúc đó đến giờ bác toàn sống ở rừng. Với bác rừng gắn bó như một phần máu thịt, những lúc thay con đi tuần, nhìn những tán rừng ngày càng xanh tốt, tán che kín chẳng thấy mặt trời, dù bước chân mỗi ngày một khó khăn hơn khi phải chen qua những tán cây dày nhưng bác Thơ mừng lắm, người có công thì trời chẳng phụ. Bởi vậy sống ở rừng bác Thơ tinh thần sảng khoái hơn dù thiếu thốn hơn nhiều so với trong xóm nhất là khoản nước ngọt tắm rửa, nấu ăn, giặt giũ.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, rừng ngập mặn Cần Giờ được trồng, chăm sóc, quản lý thuộc dạng tốt nhất Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những khu sinh quyển ngập mặn phục hồi nhanh nhất thế giới. Cây mọc, các loài động vật hoang dã cũng theo đó tìm về sinh sống. Hiện rừng ngập mặn Cần Giờ có 157 loài thực vật, 63 loài phiêu sinh thực vật, 130 loài tảo, 100 loài động vật đáy không xương sống, 120 loài cá, chín loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 19 loài có vú, 145 loài chim.


Mừng vì rừng hồi sinh, nhưng để giữ cho Cần Giờ thật sự là lá phổi xanh của thành phố, lực lượng kiểm lâm cũng như ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ bao phen mất ngủ. Ông Vũ Hoàng Chương cho biết, do rừng Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thành, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang; huyện Nhà Bè không tránh khỏi những vụ phá rừng, khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Chẳng hạn như tình trạng khai thác địa sâm hay còn gọi là sâm đất trái phép rộ lên trong năm 2009-2010. Để bắt được địa sâm, người đi săn phải cuốc lớp bùn lên, làm đứt rễ cây, nhiều cây con bị bật gốc nằm trơ trọi. Hoặc như trên địa phận tỉnh Đồng Nai giáp ranh rừng Cần giờ có một số lò than hoạt động, khiến người dân chặt trộm cây rừng bán cho lò. Các hộ nuôi trồng thủy sản, làm muối trong tán rừng, mỗi năm đều thực hiện việc be bờ, tu dưỡng ít nhiều ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Ông Chương cho biết thêm:
Năm 1943, nước ta có 13,3 triệu hec ta rừng thì nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 8 triệu và đang tiếp tục bị mất dần do khai hoang, cháy và khai thác gỗ quá mức. Mặt khác, trữ lượng gỗ và chất lượng rừng đang suy giảm nghiêm trọng. Từ thực tế của rừng ngập mặn Cần Giờ có thể thấy, phải có chủ trương đúng, sự ủng hộ của người dân cũng như các giải pháp đồng bộ khác như tuyên truyền, giáo dục nhận thức bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên bền vững cũng như chế tài phù hợp mới có thể giữ được rừng phòng hộ mãi xanh. Trên trường trở về Hạt kiểm lâm, chúng tôi gặp vài chiếc ghe nhỏ vẫy tay chào, ông Chương hào hứng nói, dân giữ rừng đó, thỉnh thoảng họ lại đưa gia đình vào rừng chơi để biết sống ở rừng như thế nào mà thêm gắn bó./.