Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chất vấn về việc thực hiện Nghị quyết 42, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém chưa đạt tiến độ đề ra; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 28. Đây là Nghị định được ban hành sớm nhất trong số các nghị định triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Kết quả, đến nay việc thực hiện giải ngân đã được triển khai đúng quy chế, số dư nợ cho vay các chính sách theo chương trình này đạt 1.996 tỷ đồng, với hơn 40.000 khách hàng còn dư nợ.
Qua đánh giá cho thấy khó khăn nhất để triển khai giải ngân chương trình này là phê duyệt các danh sách thuộc đối tượng được hưởng chương trình. Về vấn đề này, Ngân hàng nhà nước cũng rất mong UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm ban hành danh sách, trên cơ sở đó để ngân hàng chính sách sẽ xã hội sẽ thực hiện giải ngân.
Đối với tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan.
Các ngân hàng này xin các cấp có thẩm quyền về chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt", bà Hồng nói nhưng không nêu trả lời vào câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) là các ngân hàng kiểm soát đặc biệt liệu có xảy ra như SCB hay không.
Về câu hỏi liên quan đến tín dụng cho các dự án BOT của đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu vốn cho những các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài, tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc.
Bởi tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.
Tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý nợ xấu chiếm 3,83%, đáng chú ý nữa, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52% đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài.