Chờ...

Đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo có thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân?

VOH - Đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo mà VFA gây lo ngại sẽ làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế và gây thiệt hại cho nông dân.

Tại cuộc họp mới đây về việc gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo với mong muốn ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên đề xuất đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.

xkgo

Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã bày tỏ không đồng tình với đề xuất này của VFA vì cho rằng, giá gạo xuất khẩu phải theo cung cầu thị trường, tuân thủ quy luật cạnh tranh tự do của DN, phải để các doanh nghiệp tự tính toán, đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp.

 Ông Nguyễn Chánh Trung, CEO Công ty TNHH Gạo Hưng Việt, nhấn mạnh rằng việc áp giá sàn không phù hợp với xu thế chung của ngành gạo, khi mà thị trường cần được điều tiết tự do bởi cung cầu.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long đánh giá: "Giá sàn lúc đó là một rào cản, giống như là cấm xuất khẩu. Như vậy, nông dân Việt Nam sẽ không bán được hàng và giá nội địa sẽ giảm rất sâu. Bằng chứng là nhiều năm trước đã xảy ra và chúng ta đã bỏ giá sàn".

Nếu giá sàn cao hơn giá thị trường quốc tế, gạo Việt Nam sẽ mất đi sức cạnh tranh và nông dân sẽ gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm. Thực tế trước đây khi áp dụng giá sàn đã chứng minh rằng phương pháp này không hiệu quả và đã bị loại bỏ.

Một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới như Ấn Độ, Thái Lan… cũng không áp dụng giá sàn.

Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng việc áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo không cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng việc doanh nghiệp đưa ra giá thầu thấp cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể của loại gạo và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group, cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam nên theo đuổi nền kinh tế thị trường, không nên áp đặt giá sàn xuất khẩu gạo.

Bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho rằng: "Trước đây, khi chúng ta áp dụng giá sàn, cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn thì đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng".

Một trong những lo ngại lớn khi áp dụng giá sàn là ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và nông dân. Ông Trương Sỹ Bá cho rằng nếu giá sàn được áp dụng, giá gạo trong nước sẽ giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Đồng thời, việc áp giá sàn cũng sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính, tăng chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến cơ chế xin-cho.

Việc một số doanh nghiệp Việt Nam bỏ giá thấp để thắng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia đã tạo ra nhiều lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh. Một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá sàn trong đấu thầu gạo xuất khẩu để ngăn chặn tình trạng này. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, đề nghị VFA cần họp các doanh nghiệp hội viên để đưa ra mức giá sàn cho hợp đồng bán gạo, tránh tình trạng tranh bán gây rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp.

Thế nhưng, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, cho rằng luật chơi được quyết định bởi người mua, không phải người bán. Nếu doanh nghiệp có thể cân đối tồn kho và giá cả hợp lý, họ có quyền quyết định giá bán mà không cần áp dụng giá sàn. Việc cứng nhắc áp dụng giá sàn mà không có hợp đồng xuất khẩu sẽ làm tình hình thêm khó khăn.

Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương đang phối hợp để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này. Trước mắt, cần có thêm nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng về tác động của việc áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo để đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời duy trì được tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, hết 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo 4,15 triệu tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về sản lượng và 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Cùng với rau quả, gạo là nông sản có mức tăng xuất khẩu ấn tượng.

Năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm trước, là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo.