Nội dung các văn bản này về phát triển 15.000 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay Việt Nam đứng thứ 16 trên Thế giới về xuất khẩu nông sản. Tốc độ tăng trưởng ngành kinh tế và quy mô ngành liên tục không ngừng tăng trưởng. Bình quân 10 năm, GDP tăng trưởng 2,66%.
Mặc dù thiên tai, nhưng năm 2017, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 2,93%. Quy mô nền nông nghiệp tạo ra một khối lượng nông sản phục vụ đáp ứng căn bản cho 97 triệu dân. Hiện, cả nước có 12.000 hợp tác xã nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng 6 tháng đầu năm đã phát triển 1.400 hợp tác xã, gấp 2,5 lần bình quân 6 năm trước, và gấp 4 đến 5 lần những năm đầu 2013 – 2014 khi chúng ta bắt đầu thực hiện. Nhưng kiểm lại vẫn chưa đủ đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, Nghị quyết 32 của Quốc hội có yêu cầu là phải thể chế hóa làm sao đến năm 2020 ít nhất có 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, làm nhân tố liên kết với nông dân, làm cơ sở liên kết với các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn mới ở Việt Nam chúng ta.
Luật Hợp tác xã năm 2003 có quy định và giao cho ngân hàng nhà nước hướng dẫn về hoạt động tín dụng nội bộ của Hợp tác xã. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn về hoạt động này. Tuy nhiên, theo phản ánh của chi nhánh Ngân hàng nhà nước Tỉnh/ Thành phố, mô hình tín dụng nội bộ của các hợp tác xã hiệu quả không cao.
Một trong những hạn chế điển hình là các cán bộ của hợp tác xã chưa được đào tạo về nghiệp vụ ngân hàng. Vì vậy, hoạt động này cũng có thể dẫn đến rủi ro. Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – thông tin thêm: Hiện nay Luật Hợp tác xã năm 2013, khoản 6 điều 8 vẫn quy định Hợp tác xã được cung cấp dịch vụ tín dụng nội bộ cho các thành viên.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, hoạt động này lại bị cấm. Lý do là các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thì không được thực hiện các hoạt động về ngân hàng. Mặt khác, Nghị định 193 hướng dẫn Luật Hợp tác xã cũng không giao cho Ngân hàng nhà nước là đơn vị hướng dẫn.
Trong thời gian tới, chắc chắn các Bộ ngành cũng sẽ báo cáo với Chính phủ. Và khi Chính phủ quyết định nếu thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2013 và Chính phủ giao cho Ngân hàng nhà nước hướng dẫn thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại Hội nghị trực tuyến, ông Lê Minh Trượng – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam khẳng định: Việc liên kết với các Hợp tác xã là chủ trương đúng đắn kịp thời. Kế hoạch năm 2018, Tổng công ty Lương thực miền Nam sẽ tiến hành liên kết với 60 Hợp tác xã với sản lượng lúa khoảng 90 ngàn tấn có giá trị trên 550 tỷ đồng.
Để thực hiện được điều này, ông Lê Minh Trượng kiến nghị qua Nghị định 98 cũng chưa nói về hướng ưu tiên đối với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã hoặc là Tổ hợp tác.
Có nghĩa là phần hạn mức tín dụng để giúp cho các doanh nghiệp có thể tổ chức thu mua lúa gạo khi vào vụ. Hiện nay, trong thực tế, chúng tôi phải cung cấp chứng từ nhập kho thì mới giải ngân được. Chỉ cần căn cứ vào hợp đồng tiêu thụ là chúng ta có thể giúp cho doanh nghiệp giải ngân trước, sau đó chúng tôi sẽ hoàn lại các chứng từ thủ tục sau.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị: Về mô hình Hợp tác xã và Tổ hợp tác, bên cạnh Hợp tác xã, cần hết sức coi trọng mô hình Kinh tế hợp tác, các Tổ hớp tác, vì đây chính là tiền thân của Hợp tác xã. Hợp tác xã là phải có doanh nghiệp hỗ trợ, Hợp tác xã thì phải có nền tảng kinh tế hộ. Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề chất lượng và nguồn nhân lực rất quan trọng.
Hợp tác xã mạnh hay yếu mấu chốt vẫn là do nội lực và tự thân, đó chính là vấn đề vốn liếng, tài sản, phương án sản xuất kinh doanh nhưng quyết định vẫn là con người. "Với những giải pháp đã đề ra, tôi tin rằng mục tiêu có 15.000 Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu lực hiệu quả đến năm 2020 chắc chắn sẽ thực hiện được;
Góp phần đắc lực cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế xã hội của 5 năm. Và chúng ta sẽ tạo khuôn khổ, tạo đà cho việc phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác trong giai đoạn sau 2020, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 đến 2030" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.