Chờ...

Gia nhập AEC, FTA: Nông sản cần theo tiêu chuẩn GAP

(VOH) - Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt lớn cho hàng hóa nước ta nói chung và nông sản nói riêng khi chúng ta gia nhập vào cộng đồng ASEAN (AEC) và thực hiện hàng loạt Hiệp định tự do thương mại (FTA) với các nước. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với ngành Nông nghiệp nước ta, ngành thu hút hơn 70% dân số tham gia.

Nhiều mặt hàng được ưu đãi thuế

Đối với AEC thì các thành viên được hưởng đối xử thuế suất như hàng hóa sản xuất trong nước của mỗi nước, tức là 0%. Các nước thành viên mới gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, 98% các dòng thuế phải giảm trung bình từ 0% - 5%, trừ một số các dòng đặc biệt thì được tồn tại đến năm 2018.

Khi thuế suất giảm xuống sẽ có lợi cho nhà sản xuất và chế biến nông sản. Hay như FTA với Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 trong đó nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sẽ được giảm thuế và tăng hạn ngạch xuất khẩu vào nước này.

Tiêu biểu như mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm. Các mặt hàng nông sản khác cũng nhận được nhiều ưu đãi như: mật ong, tỏi, ớt, gừng, khoai lang… Hiện các mặt hàng này đang phải chịu thuế rất cao từ 241 - 420%. Đây chính là ưu đãi mà Hàn Quốc dành riêng cho Việt Nam, bởi các loại nông sản trên đều là những mặt hàng nhạy cảm, Hàn Quốc bảo hộ rất ‘kỹ’.

Thuận lợi là như thế, nhưng để tận dụng được những lợi thế này không dễ dàng gì. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh trở ngại lớn nhất cho nông sản Việt xuất khẩu là chất lượng sản phẩm, là an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu ngành Nông nghiệp không thay đổi phương pháp sản xuất, mẫu mã, đầu tư chất lượng, sẽ đánh mất thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì khi trực tiếp tham gia AEC và các FTA, cũng có nghĩa các thương lái nước ngoài có quyền thu mua trực tiếp nông sản của Việt Nam. Khi đó, nông dân trở thành bị động trong bán hàng, bị thương lái nước ngoài ép giá, hạ giá, dẫn đến không có lợi nhuận hoặc có thể sẽ phải ngừng sản xuất.

Trồng hoa nhà kính tại Đà Lạt (Ảnh: Lan Hương)

Cần chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp

Vậy ngành Nông nghiệp và nông dân nước ta cần làm gì? Tất cả sản phẩm nông nghiệp nuôi trồng, cây con phải thực hiện theo tiêu chuẩn GAP. GAP là công nghệ sản xuất tiên tiến của nhà nông, phải theo quy trình kỹ thuật, năng suất cao, chất lượng tốt, hàng đẹp và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất trong môi trường không ô nhiễm.

Cách đây vài năm, các địa phương phía Nam, nhất là vùng ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư, quy hoạch, chọn lựa những đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao, để phát triển theo hướng GLOBAL GAP hay VIET GAP, nông dân trồng vú sữa lò rèn, bưởi năm roi, gạo của Hợp tác xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) đồng tình và tích cực hưởng ứng.

Tuy nhiên qua 2 năm sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP người nông dân, HTX tham gia chán nản vì phí chứng nhận Global GAP hay VietGAP tùy thuộc vào đơn vị xét và cấp giấy chứng nhận quá cao. Cụ thể chứng nhận cho khoảng 50 ha vườn cây ăn trái thì phí chứng nhận dao động ở mức từ 2.500 đến 5.000 USD/năm, phí chứng nhận cho VietGAP có rẻ hơn, ở vào khoảng 30-40 triệu đồng/20 ha/năm.

Ngoài việc phải chi một khoản tiền khá lớn, người nông dân phải thực hiện khoảng 70 tiêu chí đánh giá, mới có thể lấy được chứng nhận VietGAP và 234 tiêu chí đánh giá cho Global GAP. Chi phí cho lần tái chứng nhận cũng bằng với lần chứng nhận ban đầu.

Nhưng khi nhận được giấy chứng nhận rồi, lúc bán sản phẩm đạt chuẩn GAP giá cả cũng xấp xỉ như nông sản cùng loại không đạt chuẩn GAP. Vì thế, số hộ, số HTX tham gia GAP ngày càng giảm xuống. Ngoài chi phí cao, các hộ dân ngại đi tập huấn, hội họp, không quen ghi chép "nhật ký đồng ruộng", không muốn xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn...

Về mặt chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP và Global GAP đang áp dụng chưa có hiệu quả, các mô hình được hỗ trợ chi phí có diện tích quá nhỏ, sản lượng không nhiều nên không thể tác động đến thị trường. Hiện nay, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP ở các tỉnh phía Nam chưa nhiều, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa tới 1% trên tổng diện tích gần 300 ngàn ha.

Còn các loại rau, màu, thủy sản, lúa gạo thì không đáng kể. Bản thân người nông dân làm ra nông sản rất muốn sản phẩm của mình thu hút được thị trường, muốn thực hiện sản xuất theo chuẩn GAP. Nhưng ai và tổ chức nào sẽ giúp họ thoát khỏi những trở ngại vừa nêu?

Để thúc đẩy người nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP, trước mắt, Nhà nước cùng các Bộ, Ngành liên quan phải trực tiếp hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP một cách toàn diện từ phí tới qui trình làm ra sao cho hợp lý, để đem lại giá trị của nông sản Việt. Phải xem việc sản xuất nông sản Việt có cạnh tranh được hay không là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan của Nhà nước.

Nhà nước phải vào cuộc hỗ trợ và giám sát việc đưa các doanh nghiệp vào GAP để chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ với nông dân. Tổ chức lại sản xuất, thành lập Tổ hợp tác, HTX, liên kết các HTX và gắn kết doanh nghiệp để lo đầu ra, làm sao gom về một mối theo từng vùng, từng sản phẩm. Có như vậy, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuẩn GAP mới thật sự bền vững, đi vào nền nếp, khoa học. Nông sản không đạt chuẩn GAP là không thể cạnh tranh với ai được.