Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Chỉ khám khi có các triệu chứng, nhiều người phải đối diện với việc chạy thận

VOH - Bệnh thận ngày càng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân chỉ biết mình mắc bệnh khi đã phải chạy thận cấp cứu.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất, bệnh thận khi đã có triệu chứng thường là giai đoạn trễ. Nhiều bệnh nhân lần đầu đến khám do bất thường sức khỏe, cũng là lúc nhận tin phải chạy thận suốt đời.

Theo số liệu thống kê từ chương trình khám sàng lọc, tỷ lệ người dân có nguy cơ mắc bệnh lý về thận chiếm khoảng 8,75%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 người thì có 6-8 người mắc bệnh thận mà không có triệu chứng rõ ràng.

Đặc biệt, trong khi phần lớn bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên thế giới nằm trong độ tuổi 60-65, ở Việt Nam, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa, với nhiều bệnh nhân dưới 60 tuổi phải đối mặt với suy thận giai đoạn cuối.

Ở các nước phát triển, bệnh thận thường xuất hiện ở những người từ 60-65 tuổi trở lên, chủ yếu do biến chứng của tăng huyết áp và đái tháo đường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngoài những nguyên nhân này, gánh nặng bệnh thận còn gia tăng từ nhóm bệnh nhân trẻ mắc suy thận giai đoạn cuối, mà nguyên nhân chính là do các bệnh lý cầu thận.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (4)
Bệnh thận khi đã có triệu chứng thường là giai đoạn trễ. Ảnh: Tuổi trẻ

Bệnh lý cầu thận là nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến cầu thận, bộ phận chịu trách nhiệm lọc máu. Những bệnh lý này có thể gây viêm, tổn thương hoặc suy giảm chức năng cầu thận, dẫn đến các triệu chứng như phù, tiểu ra protein và huyết áp cao. Các bệnh lý phổ biến bao gồm viêm cầu thận, hội chứng thận hư và bệnh thận đa nang.

Theo các chuyên gia, bệnh thận thường phát triển âm thầm, và khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối. Bệnh thận mạn tính đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cho 4,6% dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn tính, chiếm 12,8% dân số. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được hỗ trợ lọc máu nhân tạo từ hơn 400 cơ sở trên cả nước.

Việc điều trị suy thận giai đoạn cuối như chạy thận nhân tạo không chỉ gây áp lực lên hệ thống y tế mà còn tốn kém rất nhiều chi phí. Theo thống kê của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí cho việc chạy thận nhân tạo lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và kiểm soát bệnh thận trước khi nó chuyển sang giai đoạn nặng. Xét nghiệm nước tiểu định kỳ là phương pháp đơn giản và chi phí thấp, chỉ khoảng 150.000 đồng mỗi lần, nhưng lại có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng suy thận và phải chạy thận suốt đời, khiến sức khỏe suy kiệt và gánh nặng tài chính tăng cao.

Suy thận được phân loại thành 5 mức độ dựa trên chỉ số lọc cầu thận. Cụ thể, độ 1 có mức lọc từ 40-90 ml/phút, độ 2 từ 30-60 ml/phút, độ 4 từ 15-30 ml/phút, và độ 5 là giai đoạn cuối với mức lọc dưới 15 ml/phút.

Suy thận có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, với một số bệnh tiến triển chậm trong 20-30 năm, trong khi một số trường hợp có thể nhanh chóng chuyển biến xấu. Do đó, việc tầm soát và chẩn đoán nguyên nhân là rất quan trọng để kiểm soát và điều trị kịp thời.

Hiện nay, có ba phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối: ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa bệnh thận từ sớm thông qua việc duy trì lối sống lành mạnh như uống đủ nước, ăn uống cân bằng, vận động thể chất, và tránh các chất kích thích như thuốc lá và rượu bia.

Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị các bệnh nền như tăng huyết áp và tiểu đường cũng là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa biến chứng suy thận. Một số trường hợp trẻ tuổi đã phải chạy thận suốt đời do sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, gây tổn thương thận không thể hồi phục.