Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

“Mông chết” - Bệnh nghề nghiệp giới văn phòng, tài xế cần đề phòng

VOH - Ngồi làm việc quá lâu không chỉ gây mỏi mệt mà còn có thể khiến cơ mông "ngủ quên", một số trường hợp gây ra hội chứng "mông chết" với nhiều hệ lụy cho cơ thể.

Đối tượng của bệnh lý này thường là nhân viên văn phòng, tài xế ô tô hoặc những người có công việc cần ngồi để làm việc, lái xe trong thời gian dài. Sau quá trình này, cơ thể người thường sẽ có cảm giác tê cứng, nhức mỏi cơ thể. 

Do cơ hông bị gập lại, lưng dưới căng thẳng kéo dài đôi khi không chỉ gây đau nhức mà một số trường hợpcòn hội chứng "gluteal amnesia", hay còn gọi là hội chứng “mông chết”. Đây là một hội chứng khiến cơ mông yếu ớt và gần như “quên” cách hoạt động, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể.

Theo bà Jane Konidis, chuyên gia y học vật lý và phục hồi chức năng tại Mayo Clinic ở Rochester, Minn, giải thích rằng: "Cái tên nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng tác động lại rất nghiêm trọng. Cơ mông lớn là một trong những cơ mạnh nhất của con người, cũng là là bộ giảm chấn lớn nhất. Nếu không hoạt động đúng cách, nó có thể gây ra hàng loạt vấn đề như rách gân kheo, đau thần kinh tọa, nứt xương chân và viêm khớp đầu gối".

Nguyên nhân

Cơ mông là một nhóm ba cơ lớn ở phía sau hông, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định cơ thể. Ba cơ này kết hợp với nhau để tạo thành một nền tảng vững chắc cho cột sống, giúp chúng ta đứng thẳng, đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày. 

Chuyên gia Jane Konidis cho biết: "Nếu cơ mông thực sự chết, chúng ta sẽ không thể đứng được", bà nói.

Ông Chris Kolba, một chuyên gia đến từ Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio, nhà vật lý trị liệu, cho biết khi chúng ta ngồi quá lâu, đặc biệt là trong tư thế không đúng, cơ mông sẽ dần trở nên "lười biếng". Việc ngồi lâu nhiều tiếng đồng hồ liền khiến các neuron báo hiệu kích hoạt cơ mông sẽ hoạt động chậm trễ. Thực hiện hành động này theo chu kì một thời gian dài là lý do gây ra cảm giác lưng dưới và đau đầu gối.

voh-benh-lien-cau-lon-la-gi-lay-sang-nguoi-qua-con-duong-nao-thumb (3)
Cơ mông là một trong những nhóm cơ khỏe nhất của cơ thể. Ảnh: Mnspineandsport

Nhận biết hội chứng “mông chết”

Có hai cách kiểm tra cơ mông, theo bác sĩ Konidis, hãy đứng trên một chân, để chân còn lại thả lỏng. Cơ mông ở bên thả lỏng sẽ cảm thấy mềm. Tiếp đến, khi bạn dồn trọng lượng lên chân đó và siết chặt má mông, bạn sẽ cảm thấy cơ căng nhẹ. Nếu cơ mông yếu, bạn cần siết vài lần mới có thể cảm nhận được.

Bác sĩ Kolba đưa ra một cách khác là tập cầu mông (glute bridge). Người tập cần nằm ngửa và nâng hông lên không trung. Khi hông rời khỏi mặt đất, bạn hãy chủ động siết chặt má mông, lặp lại 5 đến 10 lần. Nếu cơ mông hoạt động tốt, phần này sẽ nóng lên. Nếu bạn không cảm thấy sức nóng, nhưng vẫn thấy căng thẳng cực độ ở gân kheo (các cơ ở chân ngay dưới mông), đó là dấu hiệu cơ mông không được kích hoạt.

Cách phòng tránh 

Khi công việc bắt buộc phải ngồi trong thời gian dài, hãy đặt báo thức và đứng dậy mỗi 30 đến 50 phút, nhẹ nhàng ấn vào má mông bằng đầu ngón tay. "Sự kích thích nhỏ nhắc nhở não bộ rằng những cơ này vẫn còn tồn tại", ông giải thích.

Một cách đơn giản khác là hãy đứng lên đi bộ vài vòng tại chỗ làm hoặc tập squat ở nơi thích hợp, đảm bảo siết chặt má mông trong mỗi động tác. Các bài tập đơn giản có thể giúp kích hoạt cơ mông đang bị đình trệ. Kết hợp tập thể dục thường xuyên tại nhà bằng các bài tập đơn giản không cần dụng cụ như bài tập lên bụng (clamshells), nâng hông (hip thrusts), plank bên (side planks), squats, cũng giúp cải thiện thể chất.

Đừng chủ quan vì cơ mông yếu có thể khiến các cơ và khớp khác, đặc biệt là lưng dưới và đầu gối, phải gánh vác thêm trọng lượng, gây ra cơn đau nhức ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.