Chờ...

Uống lá cây để thải độc, cô gái nhập viện trong tình trạng suy gan cấp

VOH - Cô gái mắc bệnh viêm gan B tự ý ngừng sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chuyển sang dùng các loại lá cây như cà gai leo, giảo cổ lam để “thải độc gan” để lại hậu quả khôn lường.

Nhập viện trong tình trạng suy gan cấp 

Ngày 15/10, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm gan B nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tự ý bỏ thuốc điều trị và sử dụng các loại lá cây, thảo dược theo thông tin trên mạng để chữa bệnh.

Bệnh nhân chị B.T.Q. (34 tuổi, ở Hòa Bình) phát hiện mắc viêm gan B từ tháng 8/2023. Chị được bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng vi rút định kỳ.

Tuy nhiên, sau 4 tháng điều trị, bệnh nhân chủ quan, tự tìm kiếm thông tin trên mạng và quyết định tự điều trị bằng cây cà gai leo, giảo cổ lam, cây an xoa để thải độc gan.

Cuối tháng 9/2024, tình trạng sức khỏe của chị Q. trở nên nghiêm trọng hơn với các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn và vàng da rõ rệt. Đến thăm khám tại bệnh viện gần nhà, chị được chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan B và nhập viện.

Sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện địa phương, do bệnh tình vẫn không thuyên giảm nên chị Q. được chuyển tuyến lên khoa viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nguy kịch: vàng da, vàng mắt tăng gấp 20 lần, tình trạng suy gan, chức năng gan đạt 49% và men gan tăng cao gấp 25 lần so với mức bình thường.

voh (11)
Bệnh nhân biến chứng vàng da, vàng mắt vì tự uống thảo dược để chữa viêm gan B - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

May mắn thay, sau 3 tuần điều trị tích cực tại bệnh viện, sức khỏe của chị Q. đã có dấu hiệu phục hồi. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đây là trường hợp may mắn được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trước đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc viêm gan B nhập viện nguy kịch, thậm chí nguy cơ tử vong cao do tự ý bỏ thuốc hoặc uống thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc trị bệnh.

Bác sĩ Huy cho biết: "Điển hình như bệnh nhân B.T.H. (47 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng được chẩn đoán viêm gan B và đã chuyển sang xơ gan.

Tuy nhiên, bà H. không uống thuốc do bác sĩ kê mà tự mua thuốc nam không rõ nguồn gốc uống để điều trị bệnh. Sau khi uống thuốc nam 10 ngày, bà bắt đầu xuất hiện vàng da, vàng mắt tăng dần, mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng to phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sau 2 tuần điều trị do không đáp ứng với thuốc điều trị, diễn biến bệnh trở nên nguy kịch hơn. Gia đình xin chuyển bệnh nhân về chăm sóc tại nhà".

Điều trị viêm gan B 

Theo bác sĩ Huy, viêm gan B là một căn bệnh mãn tính, thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nhiều người bệnh chủ quan, không đi khám định kỳ nên bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan.

"Hiện tại thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng vi rút, giúp ức chế vi rút viêm gan B. Có nhiều thuốc kháng vi rút, phù hợp với từng người bệnh cụ thể, nên cần trao đổi với bác sĩ để có được cách thức điều trị tốt nhất phù hợp…", bác sĩ Huy khuyến cáo.

Người bệnh viêm gan B cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc. Việc sử dụng các loại lá cây, thảo dược không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh là vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn và làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.