Chờ...

Y khoa nổi bật: chữa tiểu đường type 1 bằng tế bào gốc | AI giúp chăm sóc sức khỏe con người

VOH - Đảm bảo, kiểm soát giá thuốc sau bão; Hơn 20 triệu người tử vong vì bệnh tim; Vũ khí mới phòng sốt xuất huyết; Trực thăng xuyên đêm cứu người...Y khoa nổi bật tuần qua.

Chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm nhờ AI

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa, tối ưu hóa quy trình chăm sóc, tạo ra những bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực y tế.

Đó là chia sẻ của ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tại Hội nghị khoa học lần thứ 32 "Ứng dụng kỹ thuật cao và trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh" diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến.

Chia sẻ tại hội nghị, GS Nguyễn Thanh Thủy, chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cũng cho hay cho đến nay đã có nhiều quốc gia xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vục y tế. Sử dụng AI cũng giúp quản lý thông tin bệnh nhân, phân tích dữ liệu lớn, giúp cải thiện quản lý hồ sơ bệnh nhân và quy trình điều trị. Ngoài ra, ứng dụng cũng giúp dự đoán và phòng ngừa bệnh tật với nhiều nguồn khác nhau để dự đoán nguy cơ bệnh tật, từ đó cung cấp giải pháp phòng ngừa kịp thời.

ai
AI sẽ là người bạn hỗ trợ sức khỏe cho mọi người

Vaccine - vũ khí mới trong phòng chống sốt xuất huyết đã có mặt tại Việt Nam

Trong hai ngày 26 và 27/9 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam phối hợp cùng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo khoa học “Vaccine: Vũ khí mới trong phòng chống sốt xuất huyết”.

Vaccine sốt xuất huyết do Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024 đang được kỳ vọng là một giải pháp bổ sung hiệu quả, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.

Vaccine sốt xuất huyết dengue của Takeda hiện đã được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Brazil, Argentina, Columbia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Tại Brazil, Argentina và Indonesia, người dân có thể tiếp cận vaccine này trong chương trình tiêm chủng quốc gia và khu vực.

Vaccine sốt xuất huyết của Takeda ra đời là một bước tiến quan trọng trong hành trình thực hiện sứ mệnh phát triển các vaccine mới nhằm giải quyết những thách thức y tế khó khăn nhất, giúp cải thiện cuộc sống người dân trên toàn cầu của Takeda. Việc WHO khuyến nghị sử dụng vaccine sốt xuất huyết dengue của Takeda cho thấy vaccine này nên được sử dụng như một công cụ quan trọng trong chiến lược tích hợp giúp giảm thiểu mối đe dọa toàn cầu của sốt xuất huyết dengue.

Lần đầu chữa khỏi tiểu đường túyp 1 bằng tế bào gốc

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc điều trị bệnh tiểu đường túyp 1 bằng cách sử dụng tế bào gốc.

Các nhà khoa học đã thành công trong việc đảo ngược tình trạng bệnh ở một phụ nữ 25 tuổi thông qua cấy ghép tế bào gốc được "tái lập trình" từ chính cơ thể của bệnh nhân. Chỉ sau chưa đầy 3 tháng kể từ khi nhận cấy ghép, cơ thể người phụ nữ đã bắt đầu tự sản xuất insulin. Đã hơn một năm kể từ khi phẫu thuật, người phụ nữ sống ở Nam Kinh, Trung Quốc vẫn duy trì được khả năng này.

Bên cạnh đó, một nhóm nghiên cứu khác tại Thượng Hải, Trung Quốc cũng đã báo cáo thành công trong việc cấy ghép các tế bào đảo tụy sản xuất insulin vào gan của một người đàn ông 59 tuổi mắc bệnh tiểu đường túyp 2. Các tế bào đảo cũng được tạo ra từ tế bào gốc tái lập trình lấy từ cơ thể của chính bệnh nhân.

Các nghiên cứu này nằm trong số ít các thử nghiệm tiên phong sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh tiểu đường, một căn bệnh ảnh hưởng đến gần nửa tỷ người trên toàn thế giới. Nghiên cứu mở ra triển vọng mới trong việc điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là túyp 1, bằng cách sử dụng tế bào gốc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh cần thêm nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng để đánh giá đầy đủ tính an toàn và hiệu quả lâu dài của phương pháp này.

20200327_tieu-duong-0
Tế bào gốc - kỳ vọng mới trong điều trị đái tháo đường

Bộ Y tế đảm bảo cung ứng đủ, kiểm soát chặt giá thuốc điều trị người bệnh sau mưa bão

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc; Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam; Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc cứu chữa người bị thương, bị bệnh sau mưa bão.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương rà soát, chủ động thực hiện mua sắm thuốc cứu chữa người bị thương, bị bệnh sau mưa bão theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị; Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

Các cơ sở bán thuốc tiếp tục duy trì nghiêm các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP), mua/bán thuốc đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả...

Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai hỗ trợ điều trị nạn nhân vụ sạt lở tại Hà Giang

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Giang, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức về việc tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho các nạn nhân vụ sạt lở đất kinh hoàng tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xảy ra vào sáng ngày 29/9.

Sở Y tế Hà Giang đã nhanh chóng điều động các đơn vị trực thuộc để cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến trên để điều trị. Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Giang tiếp tục tích cực chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc, phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, huy động các bác sĩ giỏi, bảo đảm đủ thuốc men, phương tiện cấp cứu để cứu chữa người bị nạn, hạn chế tối đa số người tử vong.

Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, Sở Y tế Hà Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth để theo dõi điều trị cho nạn nhân. Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ chủ động hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn phối hợp với ngành y tế Hà Giang cứu chữa các trường hợp nặng, đồng thời hỗ trợ thuốc men, máu, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, vật tư trang thiết bị y tế nếu cần thiết.

5 bài học kinh nghiệm ứng phó về y tế trong mưa bão số 3, lũ lụt sau bão

Theo Bộ Y tế, thứ nhất: Vai trò đặc biệt quan trọng của ngành y tế theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, thuốc men tại chỗ, điều trị tại chỗ. Kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong tổ chức các tổ ứng trực với bão lũ, xây dựng các kế hoạch để huy động các nguồn nhân lực tham gia, xây dựng các tổ ứng trực của Trung ương để hỗ trợ địa phương…

Thứ hai: Phải có các phương án chủ động với mọi tình huống, bao gồm cả tình huống xấu nhất.

Thứ ba: Đẩy mạnh và nhanh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng TeleHealth để kịp và hiệu quả thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Thứ tư: Điều phối và phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương trong hỗ trợ chuyên môn cũng như tiếp nhận bệnh nhân nặng chuyển lên

Thứ năm: Đối với lực lượng y tế, bài học kinh nghiệm đặt ra trong thiên tai sẽ là các tình huống xảy ra khác nhau tại các địa phương như ngập úng khu vực đồng bằng, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các địa phương miền núi; tuy nhiên, trong bão lũ, mặt bệnh hay gặp vẫn là chấn thương, vì vậy, việc chuẩn bị từ cơ số thuốc cho đến các dụng cụ phẫu thuật, tiểu phẫu tập trung vào ngoại khoa, cấp cứu.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng phải tính đến các tình huống khác nhau để ứng phó kịp thời như: Mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc, có máy phát điện thì lại không đủ xăng, dầu, bệnh nhân cấp cứu nhưng không đưa được vào bệnh viện do chưa có xuồng…

Hơn 20,5 triệu người tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh tim mạch là "kẻ giết người" số một thế giới, gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm.

Đây là nhóm bệnh ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu. Trong số những trường hợp tử vong vì bệnh tim mạch có 85% trường hợp là do bệnh mạch vành và bệnh mạch máu não. Bệnh hầu hết ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ngày Tim mạch thế giới năm 2024 (ngày 29/9) với chủ đề "Dùng trái tim để hành động" như một lời kêu gọi toàn cầu không chỉ cần nâng cao nhận thức về bệnh tim mạch, mà còn phải hành động để bảo vệ trái tim mình và những người thân.

Để bảo vệ trái tim, theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch thế giới, cần thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn các chất béo bão hòa và không nên ăn mặn.

Tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, khám sức khỏe định kỳ, hạn chế uống rượu bia. Đồng thời tạo môi trường sạch sẽ, không khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng. Dành thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng ngay tại nơi làm việc. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức.

benh-tim-mach
Bệnh tim mạch là "kẻ giết người" số một thế giới

Trực thăng bay xuyên đêm đưa 2 bệnh nhân nguy kịch từ Trường Sa về đất liền điều trị

Bệnh viện Quân y 175 cùng đội ngũ trực thăng Binh đoàn 18 vừa phối hợp đưa hai bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch từ đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) về đất liền điều trị an toàn.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân T. (34 tuổi, ngư dân), khi đang khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Sơn Ca khoảng 100 hải lý, anh T. lặn xuống biển (sâu hơn 20m) để gỡ lưới thì bị chuột rút buộc phải ngoi lên. Sau đó anh T. bị lạnh, ngất tới 15 phút, kèm đau ngực, liệt và mất cảm giác hai chân.

Anh T. được tàu cá chở vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu trong tình trạng tiếp xúc chậm, mệt mỏi nhiều, đau ngực, bụng chướng, liệt, bí tiểu và được chẩn đoán bị giảm áp cấp tính tuýp 2, mức độ nặng do lặn sâu, theo dõi vỡ phổi. Tình trạng không có dấu hiệu phục hồi, tiên lượng nặng nên cần được chuyển về tuyến sau nhanh bằng trực thăng càng sớm càng tốt.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân L. (53 tuổi ngụ Quảng Ngãi) với chẩn đoán đột quỵ bán cầu não trái, xuất huyết não, tăng huyết áp. Trước đó, ngày 16/9, anh L. bị ngã, đau đầu, yếu tay chân, mất cảm giác người bên phải nên được chuyển vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu. Trong quá trình nằm điều trị tại bệnh xá có thời điểm anh L. rơi vào tình trạng ý thức kém, mạch bệnh nhân xuống thấp, đau đầu nhiều...Nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến xấu, đội ngũ y bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị.

Tiếp nhận thông tin, 17h chiều 26/9, máy bay trực thăng EC225 mang số hiệu VN-8619 của Binh đoàn 18 cùng tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đảo Sơn Ca cấp cứu hai bệnh nhân, sau đó đưa về đất liền điều trị.

Quá trình vận chuyển bằng trực thăng hơn 5 giờ trong điều kiện bay đêm và dừng lại đảo Trường Sa Lớn để nạp thêm nhiên liệu, các bệnh nhân được theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn.

Chuyến bay cấp cứu đã hạ cánh an toàn tại sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 rạng sáng ngày 27/9.