Chờ...

Y khoa nổi bật: Đột phá trong điều trị các bệnh lý thần kinh | TPHCM đang có đợt bệnh hô hấp mới

VOH - Gần 80% người Việt Nam nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày; TPHCM sắp công bố chấm dứt dịch sởi; Gần 20 Sở Y tế các tỉnh, thành bị mạo danh...Y khoa nổi bật tuần qua.

Bước đột phá trong điều trị các bệnh lý thần kinh tại Việt Nam

Hội nghị Phẫu thuật Điều trị Động kinh năm 2024 được tổ chức tại Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TPHCM thu hút nhiều chuyên gia thần kinh hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự. Hội nghị là nơi cập nhật kiến thức chuyên môn và đánh dấu những bước tiến mới trong việc ứng dụng các phương pháp điều trị thần kinh hiện đại vào lâm sàng tại Việt Nam.

Các chuyên gia giới thiệu các phương pháp điều trị mới như Điều hòa Thần kinh (Neuromodulation), trong đó Liệu pháp kích thích não sâu (DBS) là một phương pháp mới và hiệu quả, đặc biệt cho những người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. DBS đã được chứng minh là có thể giảm co giật đáng kể.

Hội nghị cũng tập trung vào các rối loạn vận động như Parkinson và các bệnh lý liên quan đến sa sút trí tuệ như Alzheimer, hai bệnh lý thần kinh phổ biến nhất ảnh hưởng đến người cao tuổi.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất của hội nghị lần này là ca phẫu thuật thị phạm đầu tiên về điều trị động kinh bằng phương pháp DBS, được thực hiện tại BV ĐHYD TP.HCM.

Cảnh báo gần 80% người Việt Nam nhiễm vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày

Theo PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, số bệnh nhân mắc các bệnh lý đường tiêu hóa ở Việt Nam có sự gia tăng. Trong đó, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày rất cao, có tới 70-80% người dân nhiễm vi khuẩn này, chủ yếu lây qua đường ăn uống.

Nguyên nhân là do thói quen, người dân chưa chú ý đến vấn đề tầm soát hàng năm, những đối tượng cần tầm soát chưa được quan tâm đúng mức. Nếu phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, cơ hội điều trị khỏi rất cao. Hiện nay đã có nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, trong đó có biện pháp cắt tách dưới niêm mạc được sử dụng qua máy nội soi dạ dày, người bệnh hoàn toàn không phải phẫu thuật, hiệu quả điều trị cao.

Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục cử các bác sĩ có kinh nghiệm tham gia các khóa học tại trường Đại học Nagoya và nhiều bệnh viện của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước trong khu vực về lĩnh vực tiêu hóa để tiến tới xây dựng Trung tâm Tiêu hóa lớn mạnh và sánh vai ngang với các nước phát triển.

ung-thu-da-day-song-duoc-bao-lau1-163011815907774515423-1682303782

TPHCM đang có đợt bệnh hô hấp mới, trẻ mắc tăng gần gấp đôi

Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đang điều trị cho nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp nặng, trong đó có những trường hợp biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng gần gấp đôi so với trước đó.

Bệnh nhi nhiễm siêu vi hô hấp nặng sẽ có biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản... nên phải nhập viện điều trị. Những bệnh nhi này thường có triệu chứng ho, sổ mũi, sốt. Trung bình những bệnh nhi bị các biến chứng hô hấp phải nằm viện này điều trị trong vòng 7 ngày.

Theo bác sĩ Lê Công Thiên - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ em nhiễm siêu vi đến khám tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng khoảng 30-35%.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên lạm dụng thuốc mà cần sử dụng thuốc đúng liều, theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ trẻ sốt đã uống thuốc hạ sốt mà chưa hạ sốt, phụ huynh không nên sốt ruột cho trẻ dùng thêm thuốc vì sử dụng thuốc hạ sốt quá liều có thể ảnh hưởng đến gan của trẻ.

Để phòng chống nhiễm siêu vi trong thời gian này, các bậc cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh, mắc mưa. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

TPHCM sắp công bố chấm dứt dịch sởi

Tính đến ngày 3-10, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt 97% mục tiêu, với hơn 2.000 trẻ được tiêm vắc-xin tại 248 điểm tiêm trên toàn thành phố.

Tuy nhiên, một số quận, huyện như Cần Giờ, Quận 3, Quận 10, Quận 6, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè, Huyện Củ Chi, Quận Bình Thạnh vẫn chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin 95%, do đó Sở Y tế đề nghị các quận, huyện này đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, các quận, huyện đã đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin trên 95% cần tiếp tục cập nhật tình hình trẻ di biến động và tiêm vắc-xin cho những trẻ chưa tiêm đủ mũi.

measles-symptoms-gty-mz-20-221123-1669221894974-hpembed-3x2-992-5923
Nhiều hiệu quả tích cực trong việc khống chế dịch sởi tại TPHCM

Mổ bắt con thành công cho thai phụ bị viêm dính thoái hóa cột sống cổ lâu năm

Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TPHCM đã phẫu thuật bắt con thành công cho một sản phụ 43 tuổi bị viêm dính thoái hóa cột sống cổ lâu năm.

Sản phụ này bị cứng cổ, đốt sống ngực và đốt sống lưng, không thể cúi xuống hoặc khom lưng, tối ngủ không thể kê cao đầu trên gối được, người không xoay trở được, cứng như thân cây gỗ trong hơn 20 năm qua.

Khi phát hiện có thai 5 - 6 tuần, chị T. tự ý ngưng thuốc điều trị cột sống vì sợ thuốc ảnh hưởng đến thai nhi. Đến tuần 39 thai kỳ, chị T. được chỉ định mổ lấy thai vì thai chậm tăng trưởng trong tử cung và khung chậu hẹp.

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM để đặt nội khí quản đường mũi thành công, kiểm soát tốt đường thở và gây mê an toàn cho cuộc mổ. Hiện sức khỏe của sản phụ và em bé đều rất tốt.

Trẻ nhập viện nguy kịch vì gia đình tự ý cho dùng 11 loại thuốc chữa ho

Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhi 7 tuổi trong tình trạng nguy kịch do tự ý sử dụng thuốc để chữa ho. Trẻ sốt cao, phát ban nhiễm trùng, nổi mẩn ngứa toàn thân, mệt mỏi, đau vùng thượng vị, khó thở, nhịp tim nhanh, bụng chướng.

Gia đình cho biết trước đó 5 ngày, trẻ bị ho khan, không sốt, nên đã tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc kháng viêm cho trẻ uống. Sau khi uống thuốc được 1 ngày, trẻ xuất hiện tình trạng đau bụng, sốt gần 38 độ C, mẩn ngứa, phát ban toàn thân. Gia đình lại tiếp tục cho cháu bé uống thêm thuốc chống dị ứng, nhưng không thấy đỡ.

Trẻ càng nổi nhiều mụn đỏ và ngứa nhiều hơn, bụng đau dữ dội. Gia đình đưa trẻ đi khám ở bệnh viện gần nhà, tại đây được điều trị nhưng tình trạng không đỡ nên đã chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ phản vệ độ 2, nghi do dị ứng thuốc. Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch và có những chuyển biến tích cực, dần hồi phục sức khỏe.

Cấp cứu ngư dân bị đột quỵ khi đang khai thác hải sản

Sáng ngày 5-10, ngư dân Ngô Lực (51 tuổi, trú phường 6, Tuy Hòa, Phú Yên) bất ngờ đau đầu phải, chóng mặt, méo miệng khi đang khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Trường Sa 80 hải lý. Ngư dân Lực được tàu cá số hiệu BĐ 98615-TS do ông Lê Văn Quốc làm thuyền trưởng đưa vào Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu.

Tại bệnh xá, ngư dân Lực được chẩn đoán bị thiếu máu não thoáng qua, theo dõi đột quỵ não. Hiện tại, sinh hiệu ngư dân Lực ổn định, SPO2 98%, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, chỉ còn đau đầu và mặt bên phải. Bệnh xá đảo Trường Sa tiếp tục điều trị tích cực cho ngư dân Lực, đồng thời tham vấn ý kiến chuyên khoa nội thần kinh, kịp thời báo cáo khi có bất thường.

Gần 20 Sở Y tế các tỉnh, thành bị mạo danh, Bộ Y tế phát cảnh báo

Gần 20 Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng bị mạo danh để kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh nhằm trục lợi.

Những kẻ mạo danh này thường gọi điện đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tự xưng là thành viên của đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm và yêu cầu kiểm tra.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành và các đơn vị nêu trên chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về an toàn thực phẩm của địa phương thông tin toàn bộ nhân viên, cơ quan truyền thông của tỉnh, cơ sở sản xuất kinh doanh biết được thủ đoạn nêu trên.

Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh phát hiện các văn bản nghi ngờ giả mạo cần thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế, thanh tra sở y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc nơi gần nhất.

Đồng thời phối hợp với cơ quan công an để xử lý những trường hợp phát hiện sai phạm theo quy định.

Phòng chống bệnh dại: Tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại là biện pháp hiệu quả

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vắc xin.

Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh dại như tiêm vắc xin phòng dại bắt buộc cho chó, mèo; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn; dạy trẻ không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi không may bị chó, mèo cắn, cào, liếm, cần thực hiện 3 bước cơ bản: rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch ít nhất 15 phút; sát khuẩn bằng cồn i ốt hoặc cồn 70 độ để giảm thiểu vi rút tại nơi xâm nhập; sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí và tiêm phòng kịp thời.

20191122_062458_812979_tiem_vac_xin_phong_max_1800x1800_jpg_626a21640a
Tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại là biện pháp hiệu quả

2 loại thực phẩm làm tăng nguy cơ đột quỵ

Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng đồ uống có đường hoặc có chất tạo ngọt nhân tạo và thịt chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Nghiên cứu theo dõi lượng thực phẩm siêu chế biến tiêu thụ của hơn 200.000 người tham gia và theo dõi họ trong khoảng 30 năm để xem họ có mắc bệnh tim hoặc đột quỵ hay không. Kết quả cho thấy không phải tất cả thực phẩm siêu chế biến đều xấu, mà đồ ăn vặt mặn, ngũ cốc ăn sáng và sữa chua hoặc đồ tráng miệng từ sữa có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Đồng thời, bánh mì siêu chế biến và ngũ cốc ăn sáng có liên quan đến nguy cơ đột quỵ thấp hơn.

Các chuyên gia dinh dưỡng từ lâu đã cảnh báo về nước ngọt và thịt chế biến. Nước ngọt chứa nhiều đường. Quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính ở tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Riêng thịt chế biến thường được bảo quản bằng cách tẩm muối, hun khói hoặc thêm chất bảo quản hóa học. Muối có thể làm tăng huyết áp trong khi chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol.