Theo thông cáo chính thức của Chính phủ Thái Lan được đăng trên Royal Gazette, sắc lệnh khấn cấp do Chính phủ ban hành có nội dung cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên, cấm tuyên truyền phát tán thông tin gây ảnh hưởng an ninh sẽ chính thức được dỡ bỏ từ 24 giờ ngày hôm nay 22/10.
“Tình hình bạo lực vốn dẫn tới việc ban bố tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng đã được kéo giảm, và hiện ở mức các cơ quan chức năng có thể thực thi bằng các luật thông thường” - trích thông cáo của Chính phủ Thái Lan.
Sắc lệnh khẩn cấp được ban bố từ ngày 15/10 nhằm chấm dứt nhiều tháng biểu tình chống chính phủ và chế độ quân chủ ở Thái Lan, nhưng dường như lại đem lại “tác dụng ngược”, thổi bùng lên làn sóng giận dữ trong phong trào biểu tình.
Nhiều ý kiến cho rằng, lý do cụ thể dẫn tới việc áp dụng lệnh cấm chính là vụ đoàn xe của Hoàng hậu Thái Lan Suthida bị người biểu tình cản trở. Ba tháng qua, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Thái Lan, đặt ra thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và nhà vua Maha Vajiralongkorn.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp dường như là chưa đủ. Người biểu tình lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Prayuth phải từ chức và yêu cầu ông phải thực hiện trong vòng 3 ngày tới.
“Ông ấy vẫn còn tìm cách níu giữ quyền lực trong khi phớt lờ tất cả yêu cầu của người dân. Sắc lệnh khẩn cấp đáng ra không nên được ban hành ngay từ đầu”, Sirawith “Ja New” Seritiwat, một trong những người dẫn đầu các cuộc biểu tình, nói.
Xuất hiện trên truyền hình quốc gia tối qua 21/10, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người biểu tình giảm căng thẳng chính trị và hứa dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp.
Trong lúc ông phát biểu, nhiều người biểu tình đã tuần hành gần Tòa nhà Chính phủ Thái Lan để yêu cầu ông từ chức. Họ tuyên bố nếu các đòi hỏi của họ không được đáp ứng, họ sẽ quay lại trong 3 ngày tới.
Hàng chục người biểu tình ở Thái Lan đã bị cảnh sát bắt giữ những ngày qua, trong đó có một số lãnh đạo phong trào. Người biểu tình, đa số là thanh niên và học sinh, cáo buộc Thủ tướng Prayuth đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục nắm quyền kể từ cuộc đảo chính vào năm 2014. Người biểu tình còn cáo buộc chế độ quân chủ đã tạo điều kiện cho quân đội nắm quyền điều hành đất nước nhiều năm qua và kiềm chế quyền lực thật sự của nhà vua.
Các cuộc biểu tình tại Thái Lan đã leo thang trong 3 tháng vừa qua với sự tham gia của hàng ngàn người, đưa ra 3 yêu sách là yêu cầu Chính phủ từ chức, soạn thảo Hiến pháp mới và cải cách chế độ quân chủ trong nước.
Thủ tướng Prayuth cho biết Quốc hội sẽ họp bất thường vào tuần sau, đồng thời khẳng định ông không từ chức. Về phía Hoàng gia Thái Lan thì có quy định không đưa ra bất kỳ bình luận nào với các cơ quan truyền thông và quy định này hiện vẫn được thực thi nghiêm ngặt.