"Ân tình" là gì? Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ân tình

VOH - "Ân tình" là gì? Tại sao nợ ân tình lại khó trả? Tham khảo bài viết sau để tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề này!

Ân tình là chủ đề lớn trong văn học Việt Nam, được thể hiện qua nhiều tác phẩm thơ ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu nghĩa của từ này. Vậy ân tình là gì? Hãy cùng VOH khám phá trong bài viết sau!

"Ân tình" là gì?

Trước khi tìm hiểu "ân tình" là gì, hãy cùng giải nghĩa của từ "ân" và "tình".

Trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ Điển Học - 2003) giảng như sau:

voh-an-tinh-la-gi-1
Ảnh: Canva

Với "ân",

  • Từ này mang nghĩa là "ơn" (nói khái quát).
    Ví dụ: ân sâu nghĩa nặng.

Với "tình",

Nếu là danh từ, có nghĩa: 

  • Sự yêu mến, gắn bó giữa người với người.
    Ví dụ: tình cha con, tình bạn, tình thân ái.
  • Sự yêu đương giữa nam và nữ.
    Ví dụ: mối tình chung thủy, câu chuyện tình, lá thư tình.
  • Tình cảm nói chung.
    Ví dụ: có tình có lý, thấy cảnh sinh tình.
  • Tình cảnh, hoàn cảnh.
    Ví dụ: có thấu tình chăng?, đạt lý thấu tình, thương tình

Nếu là tính từ, có nghĩa: 

  • Có vẻ duyên dáng, dễ gợi tình cảm yêu thương.
    Ví dụ: nụ cười rất tình, trông cô ấy tình lắm.

Kết hợp hai từ lại với nhau, "ân tình" là danh từ, ý chỉ tình nghĩa gắn bó do có ơn đối với nhau.

"Nợ ân tình" là gì?

Thông thường, danh từ "nợ" chỉ cái vay phải trả mà chưa trả. Chẳng hạn như: mắc nợ, trả nợ, trang trải xong món nợ, nhất tội nhìn nợ. 

Trong mối quan hệ giữa người với người, chuyện vay nợ chẳng có gì lạ. Thế nhưng, trong tất cả các loại nợ nần, nợ ân tình là thứ khó trả nhất.

Đây là thứ sinh ra khi nhờ người khác giúp đỡ. Bởi người cho đi đôi khi không tính toán, người trả lại càng không biết bao nhiêu cho đủ. Ví dụ, khi một người cho bạn vay 100 triệu đồng, sau đó bạn trả lại 102 triệu đồng, khoản dư này như lời cảm ơn

Nhưng món nợ này chưa dứt. Nếu đối phương nghĩ: "Lần này tôi giúp bạn, lần sau sẽ đến lượt bạn giúp tôi", thì bạn sẽ không thể từ chối. Gặp phải người có ý định xấu, họ sẽ dùng ân tình để ràng buộc, khiến bạn trả mãi không xong. 

Vì vậy, nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nếu tự mình đương đầu được thì đừng tìm đến người khác. Một khi đã nhờ vả, hãy lường trước tình huống này. 

voh-an-tinh-la-gi-2
Ảnh: Canva

"Ân tình thủy chung" là gì?

Đây là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức của con người. 

"Ân tình thủy chung" được hiểu là mối quan hệ keo sơn, gắn bó, luôn trân quý và không bao giờ quên ơn nghĩa dù có trải qua bao khó khăn, thử thách.

Vì lẽ đó mà nhà thơ Tố Hữu đã "bộc bạch" trong tác phẩm Việt Bắc như sau:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Ca dao, thành ngữ, tục ngữ về ân tình

Cái tình, cái nghĩa thấm đượm qua các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ, trở thành bài học có giá trị, được các thế hệ sau giữ gìn và vận dụng trong đời sống.

Ca dao nói về ân tình

  1. Chiều chiều mang giỏ hái dâu
    Hái dâu không hái, hái câu ân tình
    Dù cho cha đón ngõ đình
    Mẹ ngăn ngõ chợ
    Đã trót thương mình, em lại ra đi.
  2. Nợ đòi trả trả vay vay
    Nợ tình biết trả đến ngày nào xong?
  3. Tiền tài như phấn thổ
    Nghĩa trọng tựa thiên kim
    Con le le mấy thuở chết chìm
    Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?
  4. Vay chín thì trả cả mười
    Phòng khi túng lỡ có người cho vay.
  5. Áo cụt cũ, ân tình không cũ,
    Đường tuy mòn, nhân nghĩa không mòn.
  6. Bây giờ xâu nặng thuế cao
    Thương anh thì hãy khoan trao ân tình
    Chờ cho đất nước thái bình
    Phụ mẫu nhà trường thọ đôi lứa mình kết duyên.
  7. Anh cầm cây viết, anh dứt đường nhân nghĩa,
    Em cầm cây kim, em thêu chữ ân tình.
    Chữ ân tình, anh nghe cũng phải,
    Đường nhân nghĩa, anh nắm cũng vừa.
    Hòn núi Liên Sơn cây chặt, cây chừa,
    Anh thương em có kẻ đón ngừa: thế gian.
  8. Ân tình này đã hết trông,
    Ngãi nhân như nước tràn đồng khó ngăn.
  9. Mang bầu tới quán rượu dâu,
    Say hoa đắm nguyệt, quên câu ân tình.
  10. Vàng ròng vào lửa chẳng phai
    Búa rìu sấm sét, chẳng sai ân tình.
  11. Rồng nằm núi Chúa
    Hạc múa xa chừng
    Tối trời quân tử dừng chân
    Khuyên em ở lại giữ xuân má đào
    Nơi nào chức trọng quyền cao
    Tốt như tiên mặc kệ, em chớ trao ân tình.

Tục ngữ, thành ngữ về ân tình

  1. Con sống có, con chết có.
    → Vợ chồng ăn ở với nhau đã đến mức gắn bó sâu nặng, cùng chia sẻ ân tình, cay đắng.
  2. Say hoa đắm nguyệt / Đắm nguyệt say hoa
    → Nghĩa đen: say đắm hoa và trăng.
    → Nghĩa bóng: say mê chuyện yêu đương trai gái.
  3. Chắp cánh liền cành / Chim liền cánh, cây liền cành
    → Đôi trai gái gắn bó với nhau; Tình nghĩa vợ chồng khăng khít.
  4. Giàu đổi bạn, sang đổi vợ / Giàu đổi vợ, sang đổi bạn
    → Thái độ bạc bẽo, thay đổi tình cảm, không giữ được thuỷ chung, tình nghĩa với vợ con, bè bạn khi đã được thành đạt, danh giá (bỏ vợ cũ để lấy vợ trẻ đẹp hơn, bỏ bạn thuở hàn vi, giao du với bạn bè sang trọng).
  5. Nhịn đói qua ngày, ăn vay mắc nợ
    → Nên chịu đựng thiếu thốn khỏi mang ơn huệ, công nợ.
  6. Cơm ăn vào dạ là vạ vào thân / Cơm vào dạ như vạ vào mình / Há miệng mắc quai
    → Đã trót ăn của người ta rồi là mang ơn, mắc nợ.
  7. Thay lòng đổi dạ / Đổi dạ thay lòng
    → Con người bạc bẽo, không giữ trọn thuỷ chung trong tình cảm hoặc phản bội lại tổ chức.
  8. Chị ngã em nâng / Cành dưới đỡ cành trên / Em ngã đã có chị nâng
    → Chị em đoàn kết giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.
  9. Tình xưa nghĩa cũ
    → Tình cảm, ân nghĩa đối với người thân quen từ xưa.
  10. Bát cơm phiếu mẫu
    (Phiếu mẫu: bà già giặt vải)
    → Sự giúp đỡ của người khác đối với mình lúc còn hàn vi.
  11. Có thuỷ có chung / Có trước có sau
    (Thuỷ: bắt đầu; Chung: kết thúc)
    → Biết ăn ở, cư xử tử tế, không quên người đã giúp đỡ hoặc yêu thương mình.
  12. Được ăn đừng quên đũa, được ở chớ quên ơn / Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
    → Chớ quên người đã giúp đỡ mình khi khó khăn hoạn nạn.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: "Ân tình là gì?'. Đây là từ thường được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh để miêu tả tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn và trân trọng mối quan hệ giữa con người với nhau. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.