Thấm thoắt mà đã 30 năm, chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam không thể quên sự kiện lịch sử 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân hiên ngang, anh dũng nằm xuống trên vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình ảnh hy sinh bi tráng của những chiến sĩ hải quân năm 1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc luôn là nỗi nhớ khôn nguôi.
Suốt chiều dài bốn ngàn năm dựng và giữ nước, dân tộc Việt Nam để lại những trang sử vàng vinh quang nhưng cũng đầy gian lao. Mỗi năm đều có những ngày kỷ niệm lớn. Có niềm vui đại thắng, nhưng cũng có những ngày kỷ niệm như nỗi đau nhức nhối, không được phép lãng quên.
(Ảnh: Vietnamnet)
30 năm trước – Gạc Ma 1988, câu chuyện về “vòng tròn bất tử” đã mãi mãi tạc vào lịch sử dân tộc. 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh đã hòa máu xương vào biển cả, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thể hiện khí phách can trường, ngời sáng tinh thần quả cảm của một dân tộc bất khuất.
Ngày này cách đây 30 năm, ngày 14/3/1988, trên đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bất tử, chấp nhận hy sinh để bảo vệ cờ Tổ quốc, trong một trận chiến không cân sức vì chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế.
Đảo ngày ấy phơi mình nắng gió, không nơi che chắn, điểm tựa, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước ngọt và thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, sóng dữ nhưng sự anh dũng, lòng yêu nước của các chiến sĩ chính là chiến hào vững chãi nhất.
Trong tình thế vô cùng nguy hiểm, nhưng không một ai run sợ, sắt son một lòng bám đảo, chấp nhận hy sinh đến hơi thở cuối cùng. “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Câu nói động viên đồng đội của Thiếu úy Trần Văn Phương đã thể hiện đầy đủ tinh thần quả cảm, khí phách anh hùng, không khuất phục hiểm nguy của những chiến sĩ hải quân can trường, của những người lính cụ Hồ, của dân tộc Việt.
Thiếu úy Trần Văn Phương còn quấn lá cờ Tổ quốc thân yêu quanh thân mình, trước khi ngã xuống đã hô to khẩu hiệu: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu mình tô thắm lá cờ quân chủng hải quân anh hùng”. Những đồng đội như liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Bùi Bá Kiên, Đào Kim Cương, Nguyễn Văn Thành, Lê Đình Thơ, Cao Xuân Minh, Trương Minh Phương, Trần Quốc Trị và nhiều liệt sĩ nữa cũng chưa bao giờ có ý nghĩ lùi bước và đã hi sinh anh dũng. Hình ảnh kiên cường, bất khuất của họ ghi khắc mãi mãi trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt.
Trong sự kiện 14/3/1988, hải quân nhân dân Việt Nam bị tổn thất gồm 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ hi sinh, 11 chiến sĩ bị thương, 9 chiến sĩ bị bắt giữ 3 năm sau mới được trả về quê hương. Nước Biển Đông như mặn hơn khi hòa quyện máu xương, hòa quyện thêm vị mặn nước mắt của cả dân tộc, đau thương và bi phẫn.
Và cũng còn biết bao câu chuyện khác về những hi sinh, mất mát của những người lính mà chúng ta không được lãng quên. 30 năm sau kể từ ngày trận hải chiến nổ ra, nhân dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ, hướng về các anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Giữa biển trời Tổ quốc, ở đất liền, ở hậu phương, 30 năm qua, nỗi nhớ đồng đội, nhớ những chiến sĩ chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhớ về Gạc Ma, thêm một lần nữa lặng người trước khí phách lẫm liệt của người chiến sĩ hải quân.
Nghĩ về Gạc Ma, chúng ta liên tưởng một tượng đài bất tử về người lính biển, về những người nằm lại phía chân trời, nơi lòng biển sâu giá lạnh. Ngẫm về Gạc Ma, mỗi người thấm thía hơn về lẽ sống của người lính biển, lòng quả cảm và sự hi sinh khó nói hết bằng lời.
Bước ra từ đau thương, trưởng thành từ chiến tranh nên hơn ai hết mỗi người dân Việt Nam đều thấu hiểu sự tàn khốc, nỗi đau thương chiến tranh gây ra, đặc biệt là những cuộc chiến phi nghĩa và giá trị của hòa bình.
Nhắc về lịch sử đau thương để từ đó rút ra bài học về gìn giữ mối quan hệ hoà bình, hữu nghị, gìn giữ chủ quyền, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Trường Sa giờ không như trước. Trường Sa hôm nay là bức tranh sinh động giữa biển khơi, màu xanh trải dài, cuộc sống của người dân ngày càng sung túc, khẳng định sức sống bền bĩ, hiên ngang vượt qua phong ba bão táp.
Còn Hoàng Sa như đứa con lưu lạc chờ ngày trở về. Biển đảo luôn là phần lãnh thổ thiêng liêng mà các thế hệ người Việt tiếp nối nhau tạo thành dáng hình Tổ quốc.
30 năm sự kiện Gạc Ma cũng là dịp để mỗi người nhìn lại bản thân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước tự chủ, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Gạc Ma, vòng tròn bất tử đã trở thành bài học vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay và muôn đời sau. Tuổi trẻ hôm nay phải luôn tỉnh táo, sẵn sàng tâm thế đi và đến bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Từ đó, ý thức hơn trách nhiệm đảm bảo môi trường hòa bình để ổn định, phát triển đất nước, chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước bảo vệ chủ quyền biển đảo, tiếp tục chăm lo cuộc sống của gia đình liệt sĩ hạnh phúc hơn.
Tinh thần đoàn kết, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cùng khí phách Việt Nam sẽ là bài học quý cho các thế hệ hôm nay, cho dân tộc Việt Nam dựng xây, phát triển đất nước, đủ sức vượt qua khó khăn, thách thức trong bất kỳ hoàn cảnh nào.