Vào năm 1976, khi Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tách ra từ Đài Tiếng nói Việt Nam 2, trước đòi hỏi có những chương trình đổi mới, hay và ấn tượng; nhà báo Viễn Kính - người từng nổi danh với mục “Theo dòng thời cuộc” của Đài TNVN từ trước năm 1975 - đã bắt tay thực hiện chuyên mục “Kể chuyện phố phường” khi ông chuyển công tác về Đài thành phố. Chuyên mục đặt ra nhằm mục đích phản ánh tiêu cực, mặt trái của xã hội, nhưng phải viết theo phong cách người Nam bộ, phê phán dưới dạng hài hước, “móc lò”, nhẹ nhàng nhưng thâm thúy để giải quyết mâu thuẫn, cái xấu đang tồn tại.
Theo lời kể của nhà báo Viễn Kính, thời đó chuyên mục này phát sóng hàng ngày lúc 17 giờ 45 phút nên rất áp lực bởi tìm kiếm đề tài, phải phản ánh sát sườn, mang hơi thở cuộc sống và đặc biệt phải trung thực để thính giả tin cậy.
Nhà báo Viễn Kính.
Sau nhiều năm phát sóng, các nhân vật Viễn Kính, Tứ Nghị, sau này có Hai Sài Gòn, Ba xích lô, Tư hưu trí đã trở thành người bạn thân thiết của thính giả, nơi họ có thể chia sẻ những điều “chướng tai gai mắt” bằng lời lẽ châm biếm, đả kích.
Nhà báo Mai Dưỡng trong vai Tứ Nghị đã gắn bó với “Kể chuyện phố phường” hơn 20 năm, bồi hồi nhớ lại: "Thời đó, khắp nơi gửi thư về khen, bình quân mỗi ngày 10 lá thư, phát chiều lúc 6 giờ kém mà hơn 6 giờ đã có người gọi điện về bảo là rất thích chương trình".
Lần giở những trang thư cách đây hàng chục năm của bạn nghe Đài gửi cho chuyên mục mới thấy hết sự yêu mến, tin tưởng của bà con như thế nào. “Chào Ông Viễn Kính, hàng ngày cứ vào hồi 17g45 là tôi đã trực sẵn trước cái máy thu thanh để nghe ông kể chuyện phố phường. Hôm nào mà vắng tiếng nói của mục này thì tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì vậy. Ông thật là thổ công của cái thành phố đẹp đẽ và hoa lệ này. Ông lôi móc được những chuyện từ hang cùng ngõ hẻm, từ căn ổ chuột đến cao ốc mấy chục tầng lầu”…
Một lá thư khác khẳng định: "Tập thể công nhân lao động chúng tôi tin tưởng rằng: qua viễn vọng kính soi rọi của đồng chí, mọi chân lý sẽ được sáng ngời, mọi bất công không còn tồn tại".
Vào khoảng năm 1988, chuyên mục được đổi tên là “Tiếng nói xây dựng phố phường”, vào năm 1996 chuyên mục được đổi lại thành “Chuyện phố phường” đến ngày nay. Cũng từ đó, nhân vật Hai Sài Gòn được “khai sinh”, trở thành chủ thể xuyên suốt của “Chuyện phố phường”.
Và cho dù là mang tên gì thì chuyện phố phường cũng không nằm ngoài mục đích nói hộ người dân những điều tưởng chừng đơn giản nhưng không đơn giản chút nào. Từ bất cập của chính quyền, trật tự an ninh xã hội, đời sống văn hóa giảm sút, cho đến biểu hiện lệch lạc, suy thoái đạo đức, tham nhũng, biến chất của một số Đảng viên, đều trở thành câu chuyện trào phúng mang tính xây dựng cao.
Mới đây nhất là Formosa, nâng đường, chạy cấp, minh bạch tài sản… được Hai Sài Gòn “để mắt” bình luận. Nhà báo Hữu Quan, đang là cây bút “cầm trịch” chuyện phố phường trong những năm gần đây, chia sẻ: "Bản thân chuyện phố phường mức độ nào đó mang hơi hướng chống tiêu cực nên người nghe thích hơn. Bản thân chuyện phố phường góp tiếng nói chỉnh chu, nhìn những gì bức xúc trong cuộc sống của bà con, mình nói thế nói giúp cho bà con".
Một vị thính giả từng tâm tư: Thông qua lối kể chuyện lưu loát, mạch lạc, dịu ngọt, biểu dương chí tình, sửa sai chí lý, nghe kể chuyện thật là sướng khoái, nhưng cũng rất lâm ly. Nhưng liệu cuối cùng thuốc đắng không biết có dã tật như thiên hạ thường nói?
Nhà báo Mai Dưỡng kể về một kỷ niệm đáng nhớ để khẳng định Chuyện phố phường chính là cầu nối, là điểm tựa giải quyết những bức xúc không biết giãi bày cùng ai của bà con: "Hồi đó nói về thủ tục hành chánh lắp đồng hồ điện chẳng hạn, thủ tục hành chánh có đến mấy chục thủ tục như thế, gây rất nhiều phiền hà. Mình viết chủ đề đó rồi thính giả hưởng ứng, điện lực cũng phản ứng nói viết bôi nhọ, đòi kiện mình. Khi đến nơi kiện mình đưa ra những bằng chứng chứng tỏ thủ tục hành chính rườm rà quá nên họ phải xin lỗi mình".
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, cạnh tranh với nhiều thông tin phong phú, đa chiều, Chuyện phố phường nói riêng và các chương trình của Đài nói chung đứng trước nhiều thách thức đổi mới về nội dung, cách thể hiện nhưng làm sao vẫn phải giữ được cốt cách, tinh thần rất riêng của mình.
Nhà báo Xuân Kỳ, nguyên phó Giám đốc Đài - cũng từng là cây bút chủ lực của Chuyện phố phường trước đây góp ý: "Chuyện phố phường là chắt lọc ngôn từ chứ không phải cứ nghĩ cứ viết sướng tay, sướng tay nhưng phải tế nhị, tinh tế sâu cay, văn hóa. Hồi đó phải tự phát hiện đề tài chứ không phải như bây giờ báo chí nói mình đả kích theo, ném đá theo, cái đó cũng đúng, cũng được nhưng chưa phải là đặc sản của riêng mình".
40 năm trôi qua, “Chuyện phố phường” đã trở thành thương hiệu của Đài TNND TPHCM. Một dấu ấn riêng biệt so với các chương trình khác, tuy nhiên, Chuyện phố phường giờ đây cũng cần thêm nhiều sự sáng tạo mới, đa dạng hơn, sâu sắc hơn, thuyết phục hơn, người viết luôn phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, không vì vụ lợi hay động cơ nào khác ngoài mong muốn “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục tùng chân lý”.