Tiêu điểm: Nhân Humanity

Món ăn truyền thống dân tộc của các nước ở Châu Á trong ngày đầu năm mới

(VOH) - Đón Tết Âm lịch trong ngày đầu năm mới, người dân ở các nước ở Châu Á thường ăn món gì?

Người Việt có rất nhiều món ăn cổ truyền được chế biến dùng để ăn trong ngày đầu năm. Trong đó có bánh chưng là món ăn truyền thống, mang biểu hiện của mùa xuân đến. Bánh chưng được làm từ nếp, đậu xanh, thịt heo, sau đó được gói bằng lá dong (sau này có người gói bằng lá chuối) và buộc bằng lạt làm từ cây giang.

Đối với người Việt, những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và vạn vật cỏ cây, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên và đất trời. Từ những ý nghĩa đó, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt từ hàng nghìn năm trước. Trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người Việt đều không thể thiếu những chiếc bánh chưng.

Ở miền Trung và miền Nam, bên cạnh bánh chưng, người dân còn gói bánh tét. Loại bánh này có nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng được gói hình ống và thường gói bằng lá chuối. Các loại bánh chưng và bánh tét thường được ăn kèm với các món như thịt đông, dưa hành, củ kiệu, dưa món…

Vào những ngày Tết, gia đình người Việt thường quây quần bên nồi bánh chưng, vừa canh nồi bánh chưng vừa ôn lại những chuyện đã qua trong năm cũ và mơ ước những điều tốt đẹp đến trong năm mới...

Bánh chưng được gói và nấu kéo dài  gần cả chục tiếng
Bánh chưng được gói và nấu kéo dài gần cả chục tiếng (suốt đêm). Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Campuchia

Người Campuchia ăn Tết cở truyền rơi vào tháng 4 dương lịch trong năm. Cari là món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Campuchia.  Những ngày đầu năm mới, mỗi gia đình đều đem món ăn này lên chùa và nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm đầu năm ấm cúng.

Lào

Món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Lào là món “lạp”. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Người Lào thường ăn lạp với xôi nóng.

Theo ý nghĩa của nước này, từ lạp có nghĩa lộc. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới.

Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc.

Malaysia

Vào những ngày đầu năm mới, du khách đến Malaysia sẽ có cơ hội thưởng thức món Yu Sheng - món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Món ăn này gồm các loại rau củ thái nhỏ, cá sống thái mỏng (thường là cá hồi, cá thu) và rưới nước sốt sánh mịn lên trên.

Người dân Malaysia thêm cá vào món Yu Sheng để cầu may mắn, thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già... và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng lợi lộc, phát tài.

Món ăn truyền thống dân tộc của các nước ở Châu Á trong ngày đầu năm mới 2
Gỏi cá Yu Sheng. 

Singapore

Món gỏi cá Yusheng - còn được gọi là gỏi thịnh vượng là món không thể thiếu trong những bữa cơm đầu năm của các gia đình Singapore. Món này được làm từ cá hồi sống được thái lát mỏng, các loại rau củ quả thái sợi như bưởi, khoai môn, đu đủ, gia vị gừng, vừng, lạc rang cùng với bột chiên nước sốt từ mận.

Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu vun lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng.

Ngoài ra, người Singapore cũng cho thêm cà rốt và dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và may mắn phát tài.  

Trung Quốc

Sủi cảo là loại bánh được làm từ vỏ bánh bằng bột mì, nhân sủi cảo được làm từ thịt trộn lẫn với rau xanh. Khi gói sủi cảo cần chú ý phần viền bánh phải đều, tượng trưng cho sự cân bằng “viên phúc”. Miếng sủi cảo thường được gói theo hình bán nguyệt, tượng trưng cho nén bạc cổ mang đến sự giàu sang, tiền tài.

Sau khi làm xong, bát sủi cảo đầu tiên sẽ được dùng để thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng biết ơn, bát thứ hai sẽ được dùng cúng các vị thần thánh thể hiện sự kính trọng tôn nghiêm. Còn bát thứ ba sẽ được cả nhà cùng ăn trong bữa cơm giao thừa.

Sủi cảo là một trong những món ăn truyền thống của người dân Trung Quốc trong ngày Tết. Theo phong tục của người Trung Quốc, các gia đình thường cùng nhau làm món sủi cảo trong đêm giao thừa tạo nên không khí ấm cúng, sum vầy, gắn kết. Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức khi bánh còn nóng hổi.

Người Trung Quốc tin rằng ăn sủi cảo trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới sẽ mang lại sự thuận lợi, sung túc trong cả năm.

Hàn Quốc

Ẩm thực ngày Tết của người Hàn Quốc không thể thiếu món Tteokguk, còn được gọi là canh bánh gạo, trong bữa ăn đầu tiên của năm mới. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng làm canh bánh gạo trong buổi sáng ngày mùng 1 với ý nghĩa về một năm mới tràn đầy hạnh phúc và thành công.

Tteokguk được làm từ bánh gạo gọi là Tteok, cùng với nước xương bò hầm, thịt bò và hành hoa. Bánh gạo được thái vát, miếng mỏng, hình bầu dục và màu trắng tượng trưng cho sự trường thọ, sự thanh khiết của con người và mọi vật trên thế giới.

Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn luôn có trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Đây là các món ăn từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên. Sau bữa ăn, mọi người thường uống poricha, được làm từ trà pha chế với bột lúa mạch. Người Hàn Quốc còn có quan niệm cho rằng các món trên khi tự tay chế biến sẽ mang lại nhiều tài lộc.

Mông Cổ

Những món ăn truyền thống trong gia đình của người Mông Cổ luôn là những loại bánh làm từ bột và sữa ngựa. Trong đó, nổi bật nhất chính là những chiếc bánh bao nhân thịt cừu nóng hổi được làm từ đặc sản của người Mông Cổ là thịt cừu.

Những chiếc bánh bao được làm với kích thước vừa phải gồm vỏ bánh là bột mì cùng nhân là rau cải và thịt cừu. Bánh được hấp chín, ăn khi còn nóng và được thưởng thức với sữa ngựa lên men hoặc bánh ngọt và trà sữa.

Nhật Bản

Mặc dù Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết Dương lịch nhưng vào những ngày đầu năm, người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống. Những món ăn ngày đầu năm của người Nhật được gọi chung là Osechi ryori, có ý nghĩa giúp các gia đình có thể sống tốt qua những ngày đầu năm mới khi mà các cửa hàng đều đã đóng cửa.

Osechi ryori là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và hải sản - những nguyên liệu nấu ăn phổ biến ở Nhật Bản. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đen, cá và hải sản sẽ giúp họ có sự năng động, hoạt bát hơn, trí não sáng suốt hơn để làm việc hiệu quả.

Bình luận