Chờ...

100 ca tử vong do sốt xuất huyết

(VOH) - Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 247.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 100 ca tử vong.

So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 4,7 lần, số tử vong tăng 80 trường hợp. Sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại các tỉnh phía Bắc.

Tại Hà Nội, theo các chuyên gia dự báo, tháng 11 là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại đây. Hiện Thủ đô đã ghi nhận trên 4.700 ca sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), đã có 5 ca tử vong.

100 ca tử vong do sốt xuất huyết 1
Ảnh minh họa.

Tại TPHCM, số ca tử vong do sốt xuất huyết năm nay khá cao. Đến thời điểm này đã có 25 trường hợp tử vong, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Nhiều trường hợp đến bệnh viện chậm trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Tính từ đầu năm đến tuần vừa qua, thành phố ghi nhận trên 62.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021; số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca.

Để hạn chế số ca tử vong do SXH xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân SXH, đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do SXH.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh SXH có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, với biểu hiện là: sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Do hiện nay SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Xem thêm: Khoảng 1/20 người mắc sốt xuất huyết sẽ tiến triển nặng

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh… Các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; khoanh vùng giám sát các ổ dịch để ngăn chặn sự lây lan; nâng cao năng lực đáp ứng về điều trị khi có nhiều ca bệnh nhập viện.