Hoạt động diễn ra tại Thái Nguyên với sự tham gia của 951 giáo viên từ 63 tỉnh, thành trên cả nước, đại diện cho 12 môn học. Đối với các môn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến do số lượng giáo viên ít hơn.
Các giáo viên tham gia đợt tập huấn đều là những người có chuyên môn cao, được lựa chọn từ các địa phương. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, họ sẽ tiếp tục tập huấn lại tại địa phương, đồng thời sẵn sàng tham gia các công tác chuyên môn ở cấp địa phương và Trung ương.

Đợt tập huấn có sự tham gia của 37 chuyên gia giáo dục, bao gồm tổng chủ biên, chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên đại học, các chuyên gia thẩm định sách giáo khoa…
Đây là lực lượng trực tiếp hướng dẫn giáo viên về phương pháp xây dựng câu hỏi và đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đảm bảo phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc này giúp xây dựng hệ thống thư viện câu hỏi mở, phục vụ công tác thi cử trong những năm tới.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều thay đổi quan trọng. Theo đó, mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn thay vì 6 môn như trước đây, nhưng tổng số môn thi được tổ chức lại tăng lên do thí sinh được chọn môn theo tổ hợp.
Đề thi cũng có sự thay đổi lớn, yêu cầu đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh theo đúng định hướng mới. Các ngữ liệu sử dụng trong đề thi không được trích từ bất cứ sách giáo khoa nào, đồng thời xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới như trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn…
Giáo sư Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết từ năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh cách ra đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng mở, dựa trên tình huống thực tế. Bộ cũng chủ trương xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng phát huy trí tuệ toàn ngành, thay vì áp dụng quy trình khép kín như trước đây.
Theo kế hoạch, các trường học, địa phương sẽ chủ động đóng góp câu hỏi từ các kỳ kiểm tra, đánh giá, thi khảo sát. Những câu hỏi chất lượng sẽ được gửi về Bộ GD-ĐT để đánh giá theo lý thuyết khảo thí. Bộ sẽ phản hồi kết quả, chỉ ra những điểm cần điều chỉnh nhằm giúp các sở GD-ĐT nâng cao chất lượng đề kiểm tra, đánh giá. Những câu hỏi đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa vào thư viện đề thi quốc gia.
Với những thay đổi này, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được kỳ vọng sẽ phản ánh chính xác năng lực của học sinh, đảm bảo tính công bằng và phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục.