Bộ Nội vụ yêu cầu giảm cấp phó trong 5 năm sau sắp xếp bộ máy

VOH - Bộ Nội vụ vừa ban hành hướng dẫn chi tiết về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương giảm số lượng cấp phó theo quy định trong thời hạn 5 năm kể từ khi phê duyệt

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, việc sắp xếp bộ máy phải gắn liền với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan cần rà soát toàn diện chức năng, nhiệm vụ để bố trí nhân sự phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà không làm gián đoạn hoạt động của cơ quan.

Bộ Nội vụ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng lộ trình cụ thể để giảm số lượng cấp phó vượt quy định trong các cơ quan hình thành sau sáp nhập. Dù trước mắt có thể chấp nhận số lượng cấp phó cao hơn quy định, nhưng trong thời hạn 5 năm, tất cả các trường hợp này phải được điều chỉnh về đúng tiêu chuẩn.

Pham thi Thanh Tra
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: TTXVN

Việc lựa chọn, bố trí người đứng đầu và cấp phó cần căn cứ vào năng lực, sở trường và kết quả công tác, đồng thời phải tuân thủ tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch của Đảng. Các địa phương cũng được khuyến khích bổ sung chính sách hỗ trợ ngoài quy định Trung ương đối với các trường hợp cán bộ dôi dư.

Ngoài việc tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ còn nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các cơ quan được yêu cầu rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ, tinh giản biên chế và tái cơ cấu nhân sự dựa trên yêu cầu cụ thể của từng vị trí việc làm.

Chủ trương này được triển khai song song với các biện pháp kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, theo quy định của Bộ Chính trị. Bộ Nội vụ cũng cảnh báo sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình sắp xếp bộ máy.

Việc thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm cấp phó và tinh giản biên chế được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Bình luận