Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại bến Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc) và đập Tràng Vinh (xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao các phương án ứng phó với mưa bão của địa phương;
Công tác huy động các lực lượng xung kích, tình nguyện hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền đã thực hiện nhanh chóng, hiệu quả;
Công tác kêu gọi tàu thuyền, ngư dân trên biển kịp thời không để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.
Bộ trưởng lưu ý các địa phương không chủ quan trước khả năng mưa lớn do hoàn lưu bão; đề nghị các lực lượng ứng trực bão cần rà soát các vị trí có thể xảy ra ngập úng, sạt lở để thực hiện các biện pháp di dời người dân tới nơi an toàn.
Các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến bão số 2 để ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.
Hồi 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8, di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.
Trên biển: Trưa và chiều ngày 23/7, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Biển động.
Trên đất liền: Trong trưa ngày 23/7, ở khu vực ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật mạnh cấp 6.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, biển ven bờ Quảng Ninh) độ cao sóng 1,5-2,5m. Chiều, tối ngày 23/7, ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh-Nam Định cần đề phòng triều cường cao, làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông, gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông.
Từ chiều ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.