Biển chỉ đường "dân lập"
Anh Nguyễn Văn Nam, buôn bán nhỏ ở giao lộ Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, gần bệnh viện Từ Dũ. Anh cho biết, hàng ngày có đến mấy chục lượt người hỏi đường đến bệnh viện Từ Dũ, anh bèn làm luôn tấm bảng chỉ dẫn. Ban đầu làm bằng giấy, miếng bìa, sau này anh làm luôn một tấm bảng bằng chất liệu tốt hơn. Suốt 7 năm nay, anh đã thay gần 20 tấm do để ngoài đường thời tiết nắng mưa, bảng mau bị hư. Sáng sáng anh mang ra, chiều tối lại xách về. Từ ngày có tấm bảng chỉ dẫn của anh, người đi đường ít hỏi hơn: “Ngày trước 20-30 người hỏi, giờ giảm còn khoảng 10 người. Biển báo có người thấy, người không. Người ta vẫn hỏi hoài. Có người không biết chữ nên vẫn hỏi”.
Người dân lắp biển chỉ dẫn ở giao lộ Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 - Ảnh: Lê Bằng.
Tương tự anh Nam, trước đó, ở ngã 5 Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, một người dân tự làm bảng chỉ đường để hỗ trợ người đi đường nhận biết hướng đi. Sau này, ngành giao thông cũng đã lắp một biển chỉ dẫn ở trước vòng xoay này.
Cách làm của những người dân xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người đi đường và cũng tránh bị làm phiền. Điều này chỉ ra thiếu sót của ngành giao thông trong việc lắp đặt biển báo hướng dẫn, chỉ mà lẽ ra phải làm từ lâu.
Hiện nay, các biển báo lớn chỉ dẫn đường và hướng đi đa phần nằm ở nút giao thông lớn và các tuyến đường huyết mạch, tuyến vành đai và ở cửa ngõ ra vào TP như An Sương (quận 12), Nguyễn Văn Linh – quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), Quốc lộ 1 – Võ Văn Kiệt, vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), vòng xoay Phú Lâm, vòng xoay Cây Gõ (quận 6), nút giao thông Bình Triệu, quận Thủ Đức, ngã 5 Đài Liệt Sĩ, vòng xoay Hàng Xanh ( quận Bình Thạnh), các tuyến đường quốc lộ 1 Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ…. Còn nội thành, hầu hết tuyến đường, giao lộ và vòng xoay chỉ có biển tên đường, biển báo chỉ dẫn cụ thể lộ trình hay hướng đi còn thiếu khá nhiều.
Thêm vào đó, hiện nay, biển báo chỉ dẫn, biển tên đường, biển báo giao thông theo quy định nằm bên phải và gần với giao lộ. Với mật độ giao thông tại TPHCM thì việc quan sát biển báo tên đường khá hạn chế do bị che khuất bởi các phương tiện khác. Nhiều trường hợp đi qua giao lộ rồi mới biết đã đi lố. Tài xế xe du lịch Phạm Huy Cường cho biết: “Nhiều khi mình đang đậu bên phải mà tìm coi là đường gì lại không thấy”.
Nghiên cứu lắp thêm biển báo phù hợp
Để làm rõ hướng giải quyết của ngành giao thông trước vấn đề này, phóng viên VOH phỏng vấn ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM - Ảnh: Lê Bằng.
* VOH : Sắp tới, Sở GTVT TPHCM có lắp đặt thêm biển báo chỉ dẫn, tên đường, hướng đi ở nội thành không, thưa ông?
Ông Ngô Hải Đường: Việc lắp đặt biển báo trong nội thành phụ thuộc nhiều yếu tố : hạ tầng, điều kiện vỉa hè, lề đường cũng như xét việc ảnh hưởng như thế nào đến điều kiện sinh hoạt của người dân. Trên các tuyến đường có nhiều loại biển báo, phần nào cũng gây nhiễu cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Hiện nay, ngoài việc lắp biển chỉ dẫn bên ngoài thì khu vực trung tâm có một số biển mà trong thời gian vừa qua Sở Giao thông cũng phối hợp với các đơn vị để triển khai như biển thông tin giao thông điện tử. Trên đó thì tuyên truyền cũng như chỉ dẫn hướng đi cho người dân được thuận tiện. Các nút giao trên các tuyến đường trung tâm cũng có gắn các biển chỉ dẫn dạng cần vươn.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Ban An toàn Giao thông Thành phố và UBND quận huyện lắp đặt với các vị trí có thể hướng dẫn cụ thể cho người dân nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm.
* VOH : Chúng tôi ghi nhận người dẫn tự thiết kế các biển báo chỉ dẫn ở các ngã ba, ngã tư để hỗ trợ người đi đường, ông đánh giá gì về việc làm này thế nào ?
Ông Ngô Hải Đường: Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của người dân thành phố bằng cách vẽ bảng chỉ dẫn hướng đi, chỉ dẫn địa điểm..Hiện nay, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 4.400 tuyến đường. Dù đã lắp đặt nhiều biển báo chỉ dẫn hướng đi tại các vị trí quan trọng, tuy nhiên do là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ… của cả nước, nên lượng người dân từ các tỉnh thành khác lưu thông vào thành phố rất lớn, hệ thống biển báo chỉ hướng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phát triển thêm hệ thống biển báo chỉ hướng. Đồng thời, mong muốn người dân từ các tỉnh thành khác, trước khi lưu thông vào TPHCM cũng nên tìm hiểu trước lộ trình thông qua bản đồ, trên trang web điện tử hay điện thoại thông minh… để lưu thông được thuận lợi hơn.
* VOH : Theo quy định, các biển báo được lắp bên phải theo chiều đi của phương tiện nhưng các phương tiện rất khó quan sát, nhất là xe ô tô di chuyển bên trái đường. Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT có giải pháp thế nào?
Ông Ngô Hải Đường: Thời gian qua, chúng tôi xin ý kiến Bộ giao thông để một số vị trí có thể lắp thêm biển nhắc ở bên tay trái, đặc biệt là các vị trí che khuất tầm nhìn bên tay phải. Chúng tôi tiếp tục rà soát các vị trí nào bị che khuất tầm nhìn bên phải có thể sẽ bổ sung thêm các biển báo bên tay trái hoặc bổ sung thêm các biển cần vươn ra để người tham gia lưu thông dễ quan sát hơn.
* VOH : Theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện nay các biển báo cấm, nhất là biển báo cấm tải theo giờ có nội dung ghi nhiều chữ, làm cho lái xe không thể quan sát được nội dung biển báo. Sở sẽ tiếp nhận và giải quyết như thế nào, thưa ông ?
Ông Ngô Hải Đường: Việc phản ánh của VOH là rất chính xác. Thời gian vừa qua Sở GTVT đã thực hiện nội dung sau: Tháo bỏ rất nhiều biển báo hiệu giao thông ghi bằng chữ, đặc biệt là biển báo cấm. Đối với biển cấm xe tải và cấm xe 3 bánh theo vành đai đã rút gọn để ít chữ trên biển báo, tăng cường kích thước biển báo để dễ quan sát hơn.
Tuy nhiên, hiện nay biển báo “Cấm tải theo giờ” vẫn có rất nhiều chữ do hệ thống biển báo hiệu theo Quy chuẩn 41:2012/BGTVT không thể hiện hết được loại xe cấm và thời gian cấm.
Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT đang tham mưu để UBND Thành phố điều chỉnh Quyết định hạn chế xe tải lưu thông vào nội đô, trong đó sẽ điều chỉnh cấm loại xe tải theo hướng phù hợp để lắp đặt biển báo thuận lợi, không dùng biển phụ có quá nhiều chữ như hiện nay.
* VOH : Cám ơn ông.