Chờ...

Chống tham nhũng, lãng phí: phải có một sức mạnh của quần chúng, các lực lượng XH trong sạch, mạnh

(VOH) - MTTQ Việt Nam đã nâng cao năng lực trong việc tham gia góp ý, phản biện xã hội để góp phần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Sáng 6/8, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với việc thực hiện phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí; Đề xuất các giải pháp nâng cao, hiệu quả thực hiện và các kiến nghị việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy sự tham gia của các tổ chức và nhân dân tham gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nổi bật là đã nâng cao năng lực trong việc tham gia góp ý, phản biện xã hội để góp phần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

"Dù có những cố gắng nhất định, song ý thức về vai trò, trách nhiệm tham gia công tác PCTN của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của người dân. Xã hội, nhân dân kỳ vọng nhiều hơn ở tính tích cực, chủ động, mạnh mẽ, và năng lực giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thông qua việc phát hiện chính xác, kịp thời, không né tránh, có chính kiến từ phía MTTQ Việt Nam các cấp, trước yêu cầu, đòi hỏi và áp lực cao hơn từ công tác này", ông Trần Thanh Mẫn nêu.

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, cho rằng phải nâng cao nhận thức về cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Tức là muốn dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. "Nhưng trong đặc thù của hệ thống chính trị, chúng tôi quan niệm nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua Mặt trận giữ vai trò hết sức quan trọng. Giám sát phản biện xã hội (XH) với chế tài còn mạnh hơn giám sát phản biện mang tính nhà nước. Bởi vì nó là dư luận XH tạo ra một dư luận XH khen hoặc chê, hoặc phê phán", ông Trần Ngọc Đường nói.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện – Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, để không xảy ra tình trạng tham nhũng thì người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải là người có đầy đủ phẩm chất, quyết tâm để làm trong sạch cơ quan của mình. Phải tuyển chọn, sàng lọc để hạn chế thấp nhất việc đưa những phần tử cơ hội, suy thoái, biến chất, nắm giữ các cương vị và sử dụng quyền lực của mình để thu lợi cho bản thân.

"Muốn chống thì phải có một sức mạnh của quần chúng, của tập thể của một lực lượng XH. Thậm chí cũng đừng nên khuyến khích cá nhân đứng lên chống tham nhũng mà nên làm thế nào để đứng ra tổ chức các lực lượng XH và Mặt trận là một thiết chế đứng lên thực hiện vai trò đó. Tổ chức các  lực lượng XH trong sạch, mạnh, có uy tín để đứng ra tổ chức việc chống tham nhũng của XH, trong đó có sự đứng lên chống tham nhũng của từng cá nhân", ông Nguyễn Ngọc Điện cho biết thêm.

chống tham nhũng, lãng phí, MTTQ Việt Nam

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam

Đánh giá cao hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã góp phần mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn cho sự phát triển của đất nước. "Ở TP, có nguy cơ tham nhũng là có rất nhiều. Vấn đề là việc tiếp thu, phân công xử lý và triển khai. Vào tháng 12 năm 2017, Thành ủy có một quyết định về quy chế 1374 xử lý các thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng qua 4 nguồn đó là phía Mặt trận qua tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, HĐND gặp cử tri; khiếu nại tố cáo gửi cho mình và cuối cùng là báo chí đăng", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hoạt động phòng, chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam thời gian qua đạt được những hiệu quả nhất định. Song, dù có nhiều hình thức và cố gắng nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực một số khu vực gây bức xúc cho người dân nhưng sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chưa mạnh. Còn thiếu những cơ chế thật sự có hiệu quả để kiểm soát thu nhập, tài sản, ngăn ngừa tẩu tán tài sản tham nhũng; thiếu biện pháp tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như việc xử lý thiếu kịp thời, kiên quyết người trả thù, trù dập người tố cáo.

"Trong thời gian tới phải tiếp tục nghiên cứu cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống lợi dụng, làm dụng quyền lực. Nhốt quyền lực trong lòng cơ chế. Rà soát các quy định sơ hở để dẫn đến tham nhũng lãng phí nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, mua sắm công; Tài chính – ngân hàng; Công tác cán bộ; Giáo dục đào tạo và y tế...Làm sao để kiểm soát được thu nhập, kê khai không là hình thức. Quản lý công khai minh bạch để nhân dân giám sát", ông Ngô Sách Thực cho biết thêm.

Thực hiện chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí giai đoạn 2018-2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa và xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí. Cùng tích cực tham gia tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng nhằm ngăn chặn có hiệu quả trong thời gian tới.