Chờ...

Chủ tịch UBND TP HCM: phải giám sát chặt chẽ việc xả thải của doanh nghiệp ra kênh Ba Bò

(VOH) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có chuyến khảo sát thực tế, đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước tại tuyến kênh Ba Bò, Quận Thủ Đức, TPHCM và huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương vào chiều ngày 12/7.

Dự án cải tạo tuyến kênh Ba Bò được thành phố giao cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố triển khai, với mục  tiêu hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, đáp ứng yêu cầu về tiêu thoát nước và giải quyết tình trạng ngập úng trên lưu vực thuộc địa bàn của 2 tỉnh, thành là TPHCM và tỉnh Bình Dương; xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt của hơn 22.000 người dân sinh sống xung quanh khu vực; góp phần cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị. 

Đây là một trong những dự án mà các địa phương đang thể hiện sự phối hợp tích cực, giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ bên trái) khảo sát hồ điều tiết.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm: "TPHCM xây dựng hồ sinh học này để xử lý nước, còn Bình Dương thì cải tạo đường dọc kênh Ba Bò, đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu Sóng Thần 1 và 2 và hiện đang làm dự án Nam Bình Dương để thu gom nước thải của 60 khu dân cư trước khi thải ra kênh Ba Bò".

Đến nay, một số hạng mục đã được hoàn thành: hồ sinh học, cống xả đáy, xả tràn và dốc nước, bậc nước, nhà clo, trạm bơm 1 và 2, bể lắng, tuyến ống đẩy, trạm biến áp… gói thầu xây lắp 1 xây dựng hồ điều tiết và đoạn 1 tuyến kênh chính đã đạt được 98% tiến độ, dự kiến các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành và vận hành trước ngày 25/7.

Dòng Kênh Ba Bò.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá: "Để hồ sinh học hoạt động có hiệu quả thì việc quản lý nguồn nước đầu vào là quan trọng. Nhưng nguồn nước chủ yếu lại từ tỉnh Bình Dương, phụ thuộc vào tuyến số 1, 2 và 3. Riêng tuyến số 2 thì có nước thải từ khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 đổ ra nên phải quan trắc để có kết quả cụ thể.

Tuyến số 1 là nước sinh hoạt đổ ra và tuyến số 3 là tuyến nước ngầm. Do đó, phải phân tích kỹ để thành phố làm việc với tỉnh Bình Dương phối hợp xử lý. Hiện tại, chuẩn vận hành của hệ thống xử lý ở đây phải đảm bảo là nước sinh hoạt".

Đây cũng chính là hạn chế còn tồn tại đối với hệ thống xử lý nước thải tại đây. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị, bộ phận kỹ thuật dự án xem xét mức độ tiêu chuẩn nguồn nước, để có thể xử lý một phần nước thải về chứ không cho xả tràn hết khi chưa xử lý. Bên cạnh đó, cần quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc xả thải của các doanh nghiệp, phải đảm bảo nước thải phải được xử lý trước khi xả ra kênh./.