Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyên gia kiều bào chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ

(VOH) - Các chuyên gia kiều bào có những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp cũng như đưa ra phương án hỗ trợ cụ thể cho công tác phòng chống dịch tại hai tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang là những địa phương phía Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai và Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm trực tuyến vào sáng nay 30/8 với chủ đề “Kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ - Thành lập nhóm bác sỹ tư vấn từ xa cho F0 tại Đồng Nai và Tiền Giang”.

Chuyên gia kiều bào chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ 1
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, bác sĩ là kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Phát biểu khai mạc, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Ngoại vụ Tiền Giang bày tỏ, nội dung trao đổi tại buổi tọa đàm sẽ giúp cho các bác sỹ trong nước có thêm kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tại hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Nai để sớm đưa cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo ông Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện nay Đồng Nai có khoảng 23.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19, có 400-500 bệnh nhân nặng với hơn 200 người tử vong. Theo ông, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có mô hình điều trị khác nhau. Thông qua tọa đàm, ông mong muốn hai bên tập trung vấn đề trao đổi kinh nghiệm trong khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Bằng kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19, Phó Giáo sư, Bác sĩ Lý Thạnh Lương - Đại học Y Loma Linda, California, Chuyên gia truyền nhiễm, Bác sĩ Uỷ ban Đánh giá tiêu chuẩn Bệnh viện Hoa Kỳ cho rằng, khi xâm nhập vào cơ thể, vi rút dùng cơ cấu bên trong tế bào để sinh sôi nảy nở. Lúc này, nó sẽ hủy hoại các tế bào trong cơ thể người và tạo ra các Citokin như là IL-6, tumor necrotic factor (TNF), interferons (IFN), hay là IL-1.

Những citokin này làm cho các nội tạng bị viêm, bị sưng, kích thích giữ trụ nước, đặc biệt là ở phổi, thận, gan, não và làm rối loạn đông máu, dẫn đến tắc mạch, huyết khối nhất là tại phổi.

Bởi vậy khi dùng thuốc để trị cho SARS Covi-2, chỉ có thể nhắm vào những tác hại gây ra từ sự lan tràn của citokin này.

Tác hại của citokin tạo ra những triệu chứng như: nóng sốt, khó thở, thiếu oxi, suy thận, viêm gan, đông mạch máu, trúng gió, mất đi khả năng ngửi hay nêm nếm, tiêu chảy, mê man, đau bắp thịt hay xương cốt.

Đặc biệt nguy hiểm là những người có tiền bệnh: cao huyết áp, bệnh tim, phổi, thận, tiểu đường hay tuổi tác cao. Theo sinh bệnh học thì sau 10 ngày đến hai tuần thì vi rút sẽ bị cơ thể khống chế nhưng tác hại của nó sẽ kéo dài, nhiều khi cả vài tháng.

Theo Phó Giáo sư, Bác sĩ Đoàn Đào Viên - Đại học Y khoa Riverside, Đại học California, Giám đốc Đoàn Y tế Samari Nhân Lành, khi bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã được xét nghiệm khẳng định Covid-19 nên được phân loại thông qua thăm khám sức khỏe từ xa trước khi khám trực tiếp.

Tất cả bệnh nhân khó thở, độ bão hòa oxy (SpO2) ≤94% khi thở khí phòng hoặc các triệu chứng cho thấy cần thăm khám sâu hơn nên được chuyển khám trực tiếp bởi nhân viên y tế.

Cân nhắc lâm sàng trong điều trị bệnh nhân ngoại trú : hầu hết bệnh nhân người lớn, khó thở có xu hướng xảy ra từ 4 đến 8 ngày sau khởi phát triệu chứng, thậm chí có thể xảy ra sau 10 ngày. Trong khi khó thở nhẹ là phổ biến, khó thở nặng và đau/tức ngực dữ dội cho thấy tiến triển bệnh lý của phổi.

Tư vấn về bệnh nhân cần được theo dõi: bác sĩ điều trị nên xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh lý tiến triển. Đây là những bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc. Bác sĩ lâm sàng cần theo dõi y tế đầy đủ những bệnh nhân này. Cần tư vấn cho tất cả bệnh nhân và thành viên gia đình hoặc người chăm sóc về các triệu chứng cảnh báo.

Để can thiệp người bệnh Covid-19, Đại tá, Bác sĩ Huỳnh Khải Tinh - Quân y Bộ binh Hoa Kỳ, Chuyên khoa Cấp cứu - Tai Mũi Họng cho biết, cần phải xác định bệnh nhân ổn định hay không ổn định. Nếu không ổn định, có cần đặt nội khí quản? Nếu ổn định: cho về hay cần nhập viện? Nếu cho về nhà thì có cần thở oxy? Có chỉ định điều trị bằng kháng thể? Nếu nhập viện, chăm sóc hỗ trợ và chỉ định thuốc điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng. Thuốc chống đông dự phòng cho tất cả bệnh nhân nhập viện.

Tại toạ đàm, Phó Giáo sư, Bác sĩ Đoàn Đào Viên - Đại học Y khoa Riverside, Đại học California, Giám đốc Đoàn Y tế Samari Nhân Lành mong muốn sẽ thành lập nhóm bác sỹ hỗ trợ tư vấn từ xa cho Đồng Nai và Tiền Giang.

Theo đó, Đoàn dùng hệ thống TeleHealth của Mỹ để kết nối với bệnh nhân tại Việt Nam qua mạng internet. Hệ thống này bảo đảm sự riêng tư của bệnh nhân. Những bệnh nhân nào có điện thoại thông minh chỉ cần ấn vào link kết nối được ngay với bác sĩ.

Khi được lập hồ sơ bệnh lý, bác sĩ sẽ kết nối ngay và tư vấn rõ ràng cho bệnh nhân. Khi xong sẽ cho bệnh nhân tái hẹn trong hai cho đến bốn ngày. Khả năng tư vấn có thể từ 200-300 bệnh nhân trong mỗi 4 giờ/ngày.

Để cho chương trình này được thành công, Đoàn cần có một tổ chức tình nguyện tại địa phương hỗ trợ. Tổ chức này sẽ giúp giới thiệu bệnh nhân cho đoàn. Giúp chuyển những bọc thuốc miễn phí theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Sở Y tế địa phương.

Những bệnh nhân nào cần máy đo SpO2 sẽ được cung cấp và khi cần máy thở oxy thì tổ chức này giúp đưa đến tận nhà cho bệnh nhân, hoàn toàn miễn phí. Trong lúc chờ đợi tái khám, bệnh nhân trở nặng thì bệnh nhân có thể gọi tổ chức này và được tiếp trợ ngay.

Chuyên gia kiều bào chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ 2
Các chuyên gia, cán bộ tham gia tọa đàm tại đầu cầu Tiền Giang.

Hoan nghênh và đánh giá cao các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan, ông Nguyễn Trác Toàn - Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đánh giá, tọa đàm đã đáp ứng nhu cầu của các bác sĩ người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn đối với hệ thống y tế trong nước.

Ông Toàn cũng thông tin, cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco thời gian qua cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước về vật chất, trang thiết bị y tế như máy thở, bộ xét nghiệm, khẩu trang y tế,…

Hiện nay, phong trào này vẫn đang lan tỏa và diễn ra sôi nổi trong cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Toàn mong muốn và đề xuất các cơ quan liên quan trong nước nên triển khai tiếp nhận nhanh chóng sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để họ cảm thấy việc đóng góp của mình thật sự có ý nghĩa.

Bình luận