Chờ...

Đã đủ nguồn chi cải cách tiền lương đến 2026; Cần quy hoạch tốt để đảm hiệu quả phòng cháy, chữa cháy

VOH - Nội dung nằm trong giải trình, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ đối với các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo, giải trình các vấn đề đại biểu chất vấn.

Trong thời gian 70 phút, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của 10 đại biểu Quốc hội trên tổng số 62 đại biểu đăng ký chất vất, trong đó 9 đại biểu chất vấn, 1 đại biểu tranh luận. Còn 52 đại biểu chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi văn bản chất vấn cho Thủ tướng để được trả lời.

Đã đủ nguồn chi cải cách tiền lương đến 2026; Cần quy hoạch tốt để đảm hiệu quả phòng cháy, chữa cháy 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đặt 2 câu hỏi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính:

- Phát triển kinh tế số và xã hội số là xu hướng mà thế giới và Việt Nam cần có giải pháp dài hạn, đột phá, đi tắt đón đầu, sáng tạo để cạnh tranh và phát triển. Thủ tướng có những giải pháp mang tính đột phá nào để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số và cơ hội, lợi thế thách thức đan xen như hiện nay?

- Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024, đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào?

Thủ tướng cho biết đây là vấn đề mà Quốc hội, người dân luôn quan tâm. Chủ trương đã có, nhưng do bối cảnh khó khăn vừa qua ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên chưa thực hiện được. Đến nay, tiết kiệm từ các nguồn đã được 560.000 tỷ đồng để chi cho cải cách tiền lương, từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2026.

Cùng với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, cũng sẽ cải cách tiền lương ngoài khu vực nhà nước để tiệm cận với nhau. Ngoài ra sẽ hoàn thiện vị trí việc làm; tinh giản biên chế; tiết kiệm các khoản chi… để bảo đảm nguồn chi lương.

Về chuyển đổi số, Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, vì đó là xu thế mà Việt Nam không thể đứng ngoài.

Chính phủ đã chuẩn bị, triển khai đồng bộ các giải pháp, từ hạ tầng, nhân lực, nguồn lực để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) chất vấn về việc nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra gần đây, nhất là vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội. Chính phủ có giải pháp gì để ngăn ngừa cháy nổ trong thời gian tới?  

Thủ tướng thừa nhận thực trạng đã có nhiều vụ cháy nổ thương tâm, Chính phủ, các bộ, ngành đã nhận diện, có giải pháp. Thủ tướng cũng đã có chỉ thị về tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Thủ tướng cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp: từ công tác tuyên truyền kỹ năng phòng và chống khi xảy ra cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm; tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền đến đầu tư hạ tầng, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu. Quan trọng hơn phải làm tốt công tác quy hoạch, phải bảo đảm hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, làm sao để khi có cháy, xe chữa cháy phải vào được nơi có cháy, phải có vòi nước để chữa cháy.

Ngoài ra, tăng cường sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị, vai trò tại chỗ của người dân; nâng cao sự chuyên nghiệp, hiện đại của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy vì đó là lực lượng nòng cốt.