Chờ...

Đề xuất đẩy du lịch chữa bệnh tại TPHCM thành du lịch mũi nhọn

(VOH) - Tiếp tục với ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, sáng 5/7, các đại biểu đã thảo luận tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp cuối tháng 6 năm.

Hội đồng nhân dân TP tập trung thảo luận bốn vấn đề chính: các giải pháp tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu, lập lại trật tự lòng lề đường, vấn đề phát triển bền vững lâu dài, cải cách hành chính và an ninh trật tự an toàn xã hội.

Ngoài nội dung này sáng nay 5/7, đại biểu sẽ thảo luận về chương trình giám sát 2018, đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng Nhân dân khóa IX

Liên quan đến nhóm vấn đề được đưa ra, Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho biết trong lần tiếp xúc cử tri gần đây nhất, ông ghi nhận có 2/8 cử tri tham gia ý kiến về bảo hiểm y tế quy trình khám chữa bệnh còn chờ đợi rất lâu, khám trái tuyến có được thanh toán không…Đại biểu Hoàng Quân đề xuất nên chăng người dùng thẻ bảo hiểm y tế có thể liên thông khám giữa thành phố và các địa phương cũng như giữa tuyến quận và tuyến thành phố cao hơn.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân (Ảnh: Hoàng Lĩnh)

Ngoài ra, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân kiến nghị thành phố nên lấy ngành du lịch, chữa bệnh trở thành du lịch đặc trưng của TP vì cơ sở vật chất, trình độ y bác sĩ của ngành y tế khá tốt.

“Là người ngoài ngành tôi xin đề xuất về Tây y thì chọn nha thẩm mỹ và hiếm muộn vì chúng ta khá uy tín trên thế giới. Đông y thì chúng ta tập trung châm cứu, bấm huyệt, nam dược, du lịch kết hợp suối nước nóng, nước khoáng. Chúng ta nên đi từng bước, tiếp cận người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài đang làm việc sinh sống tại Việt Nam”.

Ông Quân dẫn chứng, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, du lịch chữa bệnh hiện nay doanh thu hằng năm 60 tỉ đô la, tốc độ tăng trưởng 20% năm và Đông Nam Á là khu vực rất có tiềm năng phát triển du lịch chữa bệnh.

Đại biểu Diệp Hồng Di tham gia ý kiến đóng góp về quản lý, lặp lại trật tự lòng lề đường. Người kinh doanh đang thăm dò cách làm của chính quyền để tiếp tục tái chiếm.

Đại biểu Diệp Hồng Di (Ảnh: Hoàng Lĩnh)

“Tôi xin đề xuất để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm thì cần xác định công tác này không phải làm theo đợt cao điểm mà là thường xuyên, không chỉ trong ngày làm việc mà còn thứ bảy, chủ nhật kể cả ban đêm. Do vậy, một trong giải pháp tôi kiến nghị cần đẩy nhanh khảo sát, nhanh có kinh phí và lực lượng cho công tác lập lại trật tự lòng lề đường", đại biểu Hồng Di nói. 

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh nêu lên một số vấn đề băn khoăn như tình trạng ngập nước, việc chuyển đổi trung tâm y tế dự phòng thành Trung tâm Y tế...

“Vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm đó là lộ trình, giải pháp về trang thiết bị, cơ chế hoạt động, tài chính, nhân sự y bác sĩ làm việc tại các trung tâm y tế quận, huyện sẽ được thực hiện như thế nào, từng giai đoạn ra sao. Nội dung này chưa được nhắc đến trong hệ thống các giải pháp y tế 6 tháng cuối năm 2017”, bà Thanh ý kiến.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh (Ảnh: Hoàng Lĩnh)

Riêng đại biểu Lê Minh Đức, ông lo ngại trước tình trạng an ninh mạng, phim ảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên các trang mạng làm cho thanh thiếu niên bị ảnh hưởng rất nhiều, đây cũng là mầm móng cho các tệ nạn nếu không quản lí được.

Đại biểu Đức: “Tôi đề xuất nghiên cứu phối hợp chỉ đạo các ngành như Sở Thông tin và Truyền thông, an ninh mạng xem xét việc ngăn chặn các phim, video bạo lực tràn lan trên các trang mạng xã hội góp phần làm sao hạn chế cho các em vị thành niên xem, kể cả các bạn thanh niên vì rất nguy hại”.

Sau thảo luận buổi sáng, chiều nay 5/7, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vấn đề quản lý an toàn thực phẩm.