Nhiều đại biểu quan tâm nội dung "Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng" trong dự thảo luật.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Trà Vinh) cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ là nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đổi mới sáng tạo và vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng trong dự thảo luật, quy định "Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng" chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Ông Bình nêu “Thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng”. Ông đề xuất “bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng”.
“Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó”, ông Bình gợi mở.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) có đề nghị dự luật cần làm rõ Thủ tướng chỉ quyết định những vấn đề liên bộ, liên ngành hoặc các dự án lớn. Nếu không thì Thủ tướng sẽ phải cho ý kiến với các sự vụ, vấn đề cụ thể. Mặt khác, nếu làm như vậy thì quyền hạn của các bộ bị giảm dẫn đến hiệu quả của các bộ cũng giảm, chuyên môn của các bộ, bộ trưởng không được tận dụng hiệu quả.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) cho rằng sửa luật Tổ chức Chính phủ lần này là để làm mới những định chế luật pháp trong tổ chức Chính phủ.
Theo đại biểu, báo chí và dư luận lần này đặt ra câu hỏi: “Thủ tướng có bị hạn chế quyền của mình không khi không quyết những vấn đề của bộ, ngành? Ở những trường hợp phân cấp, phân quyền cụ thể cho Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thì Thủ tướng quyết định những vấn đề gì để thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong chủ trương, chính sách?”

Ông Kim đặt vấn đề đối với những trường hợp cấp thiết như tai nạn, tình trạng khẩn cấp, bão lũ, hỏa hoạn…thì quyết định thuộc về Bộ trưởng được phân công hay Thủ tướng. Hay như nếu một quyết định liên quan đến việc huy động nhiều bộ, ngành, lực lượng, phương tiện vật chất của quốc gia thì bộ quyết hay Thủ tướng?
Vẫn theo đại biểu Kim, trong trường hợp Bộ trưởng bị ốm, Thủ tướng đi nước ngoài thì vai trò, thẩm quyền của các thứ trưởng, Phó Thủ tướng như thế nào.
Ông cho rằng việc ủy quyền thì theo nguyên tắc “việc ai người ấy làm”, không để cấp trên dùng việc ủy quyền để né nhiệm vụ và cấp dưới bị giao nhiệm vụ quá lớn, quá nhiều, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của mình.
Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với quy định “Thủ tướng Chính phủ không quyết định những vấn đề, công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ”, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, điều này phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia.
“Nghị định 137/2020 vẫn giao Thủ tướng quyết định bắn pháo hoa ở các lễ hội, có nghĩa là những công việc sự vụ rất nhỏ vẫn cứ giao cho Thủ tướng. Cứ như vậy thì Thủ tướng không còn thời gian để làm công việc quản trị quốc gia”, ông Thân dẫn chứng.