Vào 20 giờ tối qua, 19/11, tại Hội trường Thống Nhất, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Thành ủy phố Hồ Chí Minh Minh long trọng tổ chức đại lễ tưởng niệm cầu siêu các nạn nhân tử vong trong dịch Covid-19 theo nghi thức quốc gia tại 2 điểm cầu TPHCM và Hà Nội.
Tại TPHCM, hơn 100 đại biểu là chư tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo TP.HCM, lãnh đạo ban ngành Trung ương, TP.HCM cùng đại diện tăng ni, phật tử tham dự Đại lễ.
Các đại biểu cùng thực hiện phần nghi thức đại chúng và nghi lễ truyền thống tâm linh cầu nguyện cho những nạn nhân đã mất do đại dịch Covid-19. Cùng lúc với Đại lễ diễn ra tại hai điểm cầu, nhiều ngôi chùa, nhà thờ và các gia đình có người mất vì Covid -19 cũng theo dõi trực tiếp trên VTV1 và thực hiện các nghi lễ.
Tham dự buổi lễ, chị Nguyễn Hà Huyền Trang xúc động bày tỏ: “Chương trình rất ý nghĩa. Tôi đi qua vài ngôi chùa để thắp nhang và cầu nguyện. Bản thân tôi cũng từng là F0, vì vậy tôi mong muốn mọi người đều có sức khỏe để vượt qua đại dịch này”.
Thượng tọa Thích Minh Quang – Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quận 1, Chùa Pháp Hoa cho biết, ngoài lễ thả hoa đăng ra thì còn cầu nguyện tại thiền chánh điện để bài vị tưởng niệm các nạn nhân Covid: “Tổ chức một lễ này rất tốt, các nạn nhân chết vì Covid-19, người ta không được làm lễ, không có người thân, cho nên họ rất hiu quạnh và người thân cũng không an tâm. Cho nên buổi lễ này cũng an ủi cho người thân và cầu nguyện cho các hương linh để họ có một cái nơi nương tựa và được siêu thoát”.
Tại lễ tưởng niệm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM chia sẻ, đại dịch lần thứ 4 như một cơn bão đi qua Thành phố và để lại rất nhiều hậu quả đau thương. Do đó, chúng ta tổ chức buổi lễ tưởng niệm cấp Trung ương do Mặt trận Tổ quốc Trung ương phối hợp với Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Hội trường Thống Nhất. “Chúng tôi nghĩ rằng, với những gia đình có người thân đã tử vong trong đợt dịch vừa qua thì cũng ấm lòng và thấy rằng chúng ta còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là nâng cao cảnh giác, đối với đại dịch này thì không chừa một ai nếu chúng ta chủ quan, vì vô tình hay vì ý thức chưa cao thì phải lưu ý vấn đề này để làm sao ngăn chặn được đại dịch tại TPHCM quyết tâm không để xảy ra một lần nữa”, bà Tô Thị Bích Châu nói.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ niềm xót xa khi đại dịch tràn qua để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mồ côi. Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xúc động chia sẻ: ”Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào, chiến sỹ cả nước, tôi xin chia buồn sâu sắc với thân nhân, gia đình của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19. Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh COVID-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa” .
Trong bối cảnh, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tha thiết kêu gọi người dân, cán bộ chiến sĩ, các lực lượng vũ trang đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng.
Ngoài 2 điểm cầu chính là tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì những địa phương khác có người tử vong cũng tổ chức hưởng ứng lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn TPHCM vào lúc 20 giờ 30 ngày 19/11 cũng đã tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, văn phòng, nhà dân… để tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19. Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn TPHCM cùng đánh chuông tưởng niệm. Ngoài ra, các tàu, thuyền, sà lan…đang đậu tại các khu vực cảng đã kéo còi tưởng niệm vào lúc 20 giờ 30 ngày 19-11. Các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình tổ chức thả đèn hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.