Đăng nhập

Điểm tin chiều 30/3: Hơn 98% thí sinh thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM

00:00
06:32
06:32
TPHCM - Giải đua thuyền chào mừng Ngày Giải phóng Đà Nẵng; Phát hiện tàu cá chở thuê 4 thiết bị giám sát hành trình; Đưa 6 con sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim là những tin đáng chú ý khác.

Hơn 98% thí sinh thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM, chấm thi từ ngày mai

Hơn 98% thí sinh thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM, chấm thi từ ngày maiXem toàn màn hình
Hơn 98% thí sinh thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM, chấm thi từ ngày mai - Ảnh: TTO

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 30/3 tại 24 tỉnh, thành với số lượng và tỉ lệ thí sinh dự thi cao nhất từ trước đến nay là 126.311 thí sinh, đạt tỉ lệ 98,42%.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra sáng nay tại 55 cụm thi với 118 địa điểm.

Trong đó tại TP.HCM có 35 địa điểm thi, nhiều nhất trong số các địa phương có tổ chức thi đợt này.

Theo báo cáo nhanh của tất cả các điểm thi, trong buổi thi sáng nay, tính đến thời điểm này không có thí sinh vi phạm quy chế. Tất cả điểm thi không xảy ra tình trạng kẹt xe trong buổi thi.

Đến thời điểm 11h ngày 20/3, hội đồng thi không nhận được báo cáo nào về các trường hợp vi phạm"

Tưng bừng giải đua thuyền chào mừng Ngày Giải phóng Đà Nẵng

Tưng bừng giải đua thuyền chào mừng Ngày Giải phóng Đà Nẵng
Tưng bừng giải đua thuyền chào mừng Ngày Giải phóng Đà Nẵng - Ảnh: TTO

Sáng 30/3, hàng ngàn người dân và du khách đã đổ về hai bên bờ sông Hàn (TP Đà Nẵng) để xem Giải đua thuyền truyền thống TP Đà Nẵng mở rộng năm 2025.

Theo đó, Giải đua thuyền truyền thống TP Đà Nẵng mở rộng năm 2025 do Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng (28/3/1930), và 50 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975).

Giải đua thu hút sự tham gia của 22 đội thuyền đua với gần 500 vận động viên đến từ các đơn vị thuộc địa phương, câu lạc bộ đua thuyền của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Ở nội dung nam, 17 đội đua sẽ tranh tài qua 5 vòng đua, tương đương 7,5km.

Nội dung nữ có sự góp mặt của 5 đội tranh tài qua 3 vòng đua, tương đương 4,5km. Các đội sẽ thi đấu trên thuyền 17 người, theo mẫu thuyền đua truyền thống.

Phát hiện một tàu cá chở thuê 4 thiết bị giám sát hành trình

Phát hiện một tàu cá chở thuê 4 thiết bị giám sát hành trình
Phát hiện một tàu cá chở thuê 4 thiết bị giám sát hành trình - Ảnh: TTO

Ngày 30/3, thông tin từ Bộ đội biên phòng Kiên Giang cho biết lực lượng Đồn biên phòng Thổ Châu vừa phối hợp với Trạm cảnh sát biển số 4 (Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) tuần tra trên biển, phát hiện 1 tàu cá không có số hiệu tại khu vực vùng biển xã Thổ Châu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có dấu hiệu nghi vấn.

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương phát hiện trên tàu cá chở 4 thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) của tàu cá khác. Trong đó có 2 thiết bị ở phía trước buồng lái, 2 thiết bị đặt ở trong buồng lái.

Qua làm việc, chủ tàu khai nhận giữ 4 thiết bị giám sát hành trình tàu cá khác để đổi lấy dầu chạy máy ghe câu lôi.

Đơn vị đã lập biên bản và ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, niêm phong và lập biên bản niêm phong tang vật bị tạm giữ; hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc bàn giao cho Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra.

Đồng Tháp chuẩn bị đưa 6 con sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Đồng Tháp chuẩn bị đưa 6 con sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim
Đồng Tháp chuẩn bị đưa 6 con sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: TTO

Ngày 30/3, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết kế hoạch dự kiến trong tuần thứ hai của tháng 4, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp do giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim làm trưởng đoàn sẽ sang Thái Lan thực hiện các thủ tục cuối cùng để đưa sếu về Việt Nam.

Theo đó, có 6 con sếu từ Vườn thú Nakhon Ratchasima, tỉnh Korat Thái Lan sẽ được chuyển giao cho Thảo cầm viên (TPHCM) tiếp nhận. Đến tuần thứ 3 của tháng 4, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức lễ đón sếu từ Thảo cầm viên về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Việc chuyển giao, tiếp nhận sếu đầu đỏ  thuộc chương trình Thỏa thuận hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ giữa Vườn quốc gia Tràm Chim và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT) ký kết biên bản ghi nhớ trước đó vào 8/2024.

Về quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc và thả sếu đầu đỏ về thiên nhiên, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Vườn quốc gia Tràm Chim xây dựng quy trình thực hiện, qua tham vấn ý kiến chuyên gia, sở, ngành chuyên môn và hoàn thiện các góp ý.

Trước mắt, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ ban hành quy trình tạm thời để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và thả sếu đầu đỏ về thiên nhiên, tùy vào tình hình thực tế, sẽ cập nhật, điều chỉnh những kiến thức và kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện nhằm áp dụng cho giai đoạn tiếp theo.

Nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa ở TPHCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa ở TPHCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa ở TPHCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh cắt từ clip

Sáng 30/3, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức lễ công bố quyết định đưa nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa ở TPHCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật lân sư rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TPHCM, phản ánh hiện thực đời sống của cộng đồng người Hoa.

Ba linh vật lân, sư, rồng mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày khai trương, động thổ.

Tháng 8/2024, UBND TPHCM gửi văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa nghệ thuật lân sư rồng TPHCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Lư Chấn Lợi, chủ tịch Liên đoàn Lân sư rồng TPHCM, gửi lời cảm ơn các cơ quan ban ngành đã giúp sức và tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này hoạt động và phát triển. Ông cũng  cảm ơn các đoàn nghệ thuật lân sư rồng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh bạn đã cùng liên đoàn nhiều năm giữ gìn và phát huy nghệ thuật, đến ngày hôm nay loại hình thức nghệ thuật đặc trưng của người Hoa tại TPHCM.

TP Thủ Đức khởi công giải quyết 'rốn' ngập lâu năm ở đường 38

TP Thủ Đức khởi công giải quyết rốn ngập lâu năm ở đường 38
TP Thủ Đức khởi công giải quyết "rốn" ngập lâu năm ở đường 38 - Ảnh: TTO

Đường 38 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) lâu nay là một trong những điểm ngập nặng, cứ mưa lớn hay triều cường là nước dâng cao, có khi ngập cả mét khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Để giải quyết tình trạng ngập đường 38, UBND TP Thủ Đức đã phê duyệt dự án nâng cấp đường và hệ thống thoát nước, giúp người dân thoát cảnh bì bõm mỗi khi trời mưa.

Công trình sẽ nâng cấp và mở rộng tuyến đường dài khoảng 1,2km, từ đường Hiệp Bình đến cuối hẻm 107/6 và hẻm 117.

Mặt đường sẽ được mở rộng từ 10,5m đến 12,5m, các hẻm 107, 107/6 và 117 cũng được nâng cấp với bề rộng từ 3,4m đến 6,5m. Mặt đường sẽ được trải nhựa bê tông để đảm bảo giao thông thuận tiện hơn.

Theo cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính gây ngập tại khu vực này những năm qua là hệ thống thoát nước cũ đã xuống cấp, không đủ khả năng tiêu thoát nước khi có mưa lớn hoặc triều cường.

Do đó, hệ thống cống bê tông cốt thép có đường kính từ D600mm đến D1200mm được lắp mới sẽ giải quyết tốt tình trạng ngập.

Bình luận