Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(VOH) - Sáng nay 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phiên họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Nhấn mạnh, đây là dự án Luật có vai trò hết sức quan trọng, nội dung phức tạp, phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra để hoàn thiện thảo luật bảo đảm chất lượng; trong đó lưu ý cần tập trung rà soát thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tiếp tục cụ thể hóa các quy định, hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động, rà soát để đảm bảo Luật không trái với các hiệp định ký kết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là các vấn đề phức tạp như quy hoạch sử dụng đất tài chính, đất đai, giá đất xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, ngân hàng, đất nông nghiệp; hoàn thiện quy định về phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Luật Quy hoạch.

Phát biểu giải trình một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là Dự án Luật hết sức quan trọng, nội dung rộng lớn, liên quan đến chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng – an ninh, lịch sử, nên nội dung tương đối phức tạp. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành, góp ý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để Dự án Luật đạt được mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

Đối với các trường hợp nhà nước thu hồi đất, Bộ trưởng cho biết, Dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cũng nghiên cứu mở rộng quỹ đất theo hướng tuyến đường để mở rộng các đường giao thông, lấy nguồn lực đất đai để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, hiện có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa rà soát về tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Hiến pháp năm 2013. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai. 

Phát biểu gợi ý thêm một số nội dung thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Đây là lần đầu thảo luận nhưng đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, đây là luật khó nhưng không có nghĩa không hoàn thành. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết. Qua ý kiến thẩm tra sơ bộ, vẫn còn một số chủ trương lớn tiếp tục cần thể chế hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) này sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực này. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 vừa qua, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về lĩnh vực đất đai tại phiên hội thảo chuyên đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay đây là dự án luật có nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này. Ông chỉ rõ kết quả cuối cùng của dự luật là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội. Đồng thời đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và năng lực để kiến tạo phát triển, năng lực để tháo gỡ những vướng mắc trước đây và không để xảy ra những khó khăn vướng mắc mới...

Ông nhấn mạnh dự thảo Luật đất đai cần trên tinh thần sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài.

"Tuyệt đối tránh những vướng mắc có tính chất vi phạm hiện nay lại đưa vào dự án luật để hợp thức hóa. Cạnh đó, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể của một vài trường hợp cần hạn chế. Đồng thời không phải bất cứ đơn vị, cá nhân nào đề xuất cũng đưa vào.Cần đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quá trình làm tách bạch rõ quan hệ đất đai mang tính công như quản lý nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận... với đất đai mang tính chất tư như giao dịch, góp vốn, chuyển nhượng... Việc này phải tường minh, không lẫn lộn.

Về giá đất, cơ chế tài chính đất đai, ông Huệ chỉ rõ việc này khó nhất nên cần quy định làm sao để vận hành được.

Ông nói bỏ khung giá đất rồi nhưng bảng giá đất thì vai trò của HĐND, UBND thế nào? Định nghĩa thế nào là nguyên tắc thị trường với giá thị trường trong điều kiện bình thường vẫn mang tính định tính rất lớn. Do đó đề nghị Ủy ban Kinh tế nghiên cứu kỹ.

Bình luận