Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều 16/3 tại Hà Nội.
Phó Vụ trưởng Vụ BHXH Nguyễn Duy Cường cho biết: "Điểm nổi bật của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là bổ sung nhiều quyền, lợi ích cho người lao động so với luật hiện hành. Như việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm".
Dự thảo cũng bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế.
Dự thảo luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.
Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với nhóm đối tượng này.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian).
Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10/2023.