Chờ...

Giá dịch vụ y tế phức tạp, nếu không có luật - mọi thiệt thòi bệnh nhân phải chịu

(VOH) - Đây là ý kiến của đại biểu quốc hội trong chương trình làm việc sáng 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề dự án Luật Giá (sửa đổi).

Nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận thấy, quy định liên quan đến giá dịch vụ y tế hoặc rất mờ nhạt hoặc gần như không có.

Theo đại biểu Trí, giá là vấn đề phức tạp và dễ phát sinh tiêu cực nhất. Trên thực tế, trong công tác đấu thầu, giá là đích đến cuối cùng của mọi cuộc thương thảo. Giá cũng là vấn đề mà đối tượng xấu tìm kẽ hở để “kiếm chác”. Do đó, giá rất quan trọng.

Đại biểu cho rằng, giá dịch vụ y tế quá phức tạp, nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Bởi có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại, như giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa; giá dịch vụ thầy thuốc là bác sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; giá thầy thuốc trong nước với nước ngoài cũng khác nhau.

Giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa khác với khám, chữa bệnh trực tiếp… Do đó, nếu không có luật và để “loạn” cách làm giá dịch vụ, mọi thiệt thòi sẽ trút hết vào bệnh nhân.

đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nếu ý kiến vào sáng 6/4

Đọc thêm: Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là do tâm lý e ngại, sợ sai trong mua sắm

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua là thành công rất lớn, đã tháo gỡ được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, những vấn đề còn lại chủ yếu vẫn là giá, cụ thể là giá dịch vụ y tế.

"Rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo bị vướng, khi cử tri hỏi, chúng ta nói rằng, vấn đề này sẽ được sửa đổi trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có một số điều khá tốt, nhưng giá lại chưa được đề cập" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đại biểu cũng chỉ rõ, giá là thành tố rất quan trọng để quyết định việc tự chủ bệnh viện công, Luật Giá (sửa đổi) cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế… sau này.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho biết, qua nghiên cứu một số vụ án liên quan đến vi phạm về đấu thầu, ông nhận thấy, vấn đề này có liên quan đến thẩm định giá. Đặc biệt, trong các vụ án về trang thiết bị y tế, giá bị thổi lên rất cao.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do lỗ hổng trong quy định của Luật Giá hiện hành (Điều 29 và Điều 42) trao cho thẩm định viên rất nhiều quyền, không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người độc lập thẩm định giá.

Theo đại biểu Đức, quy định trong dự thảo Luật đã tương đối cơ bản và phần nào khắc phục được bất cập này. Cụ thể, Điều 47 và Điều 53 dự thảo Luật quy định quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá là độc lập về chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thẩm định viên về giá không chịu trách nhiệm về Báo cáo kết quả thẩm định giá khi khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin không chính xác về tài sản thẩm định giá.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức chỉ rõ, qua các vụ án cho thấy có tình trạng giữa người cung cấp thông tin về hàng hóa với thẩm định viên có sự thông đồng, dẫn đến tình trạng thổi giá, giá không chính xác.

Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá vì quy định như dự thảo Luật, chế tài về trách nhiệm đối với thẩm định viên chưa cao.