Có 66 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, xoay quanh các nội dung: Mở rộng quốc lộ 1, làm tuyến tránh qua các đô thị; Giải pháp kiểm soát xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng; đầu tư các công trình giao thông vùng khó khăn như Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long; xử lý 69 dự án giao thông lớn, chậm tiến độ; có lợi ích nhóm trong các dự án BOT giao thông không...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VNE
Đối với chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về việc chuẩn bị dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Thể khẳng định: "Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm, nên phải chú trọng công tác tư vấn, giám sát tốt ngay từ đầu. Cần thiết thì Bộ sẽ đề nghị Chính phủ cho thuê tư vấn nước ngoài ngay từ đầu để đảm bảo chất lượng. Công trình trọng điểm mà nếu có vấn đề về chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm".
Trả lời chất vấn của đại biểu về khả năng huy động vốn trong dân để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, bộ trưởng Thể bày tỏ: "Bản thân tôi thấy hiện nay trong dân có nguồn lực rất lớn, đặc biệt là vàng và ngoại tệ. Chúng tôi cũng mong có giải pháp huy động vàng, ngoại tệ, nếu có lãi suất tốt thông qua trái phiếu Chính phủ để huy động thì đỡ phải đi vay nước ngoài".
Ngoài ra, còn nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu về tính minh bạch của các dự án BOT và quá trình quyết toán, thu phí tại các trạm BOT, triển khai thu phí không dừng, về dự án cao tốc Bắc Nam, về hạ tầng giao thông kém tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, về quản lý taxi công nghệ, về an toàn giao thông… được Bộ trưởng trả lời đầy đủ, rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, với kinh nghiệm trong quản lý điều hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn, gọn, rõ ràng...: "Thời gian qua, lĩnh vực này đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để có thể chuyển biến tích cực. Những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn hôm nay có những vấn đề không mới. Có những nội dung vấn đề đã diễn ra nhiều năm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến những vùng, lĩnh vực được chất vấn".
Quốc hội sau đó tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Các vấn đề đặt ra cho bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện là quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh, quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh, công tác quản lý và phát triển du lịch...
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: VNE
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đặt câu hỏi chất vấn: "Bộ trưởng có giải pháp căn cơ, đột phá nào để du lịch trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn trong tỉ trọng phát triển kinh tế? Mặt khác, phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, vậy theo bộ trưởng cần làm gì để hài hòa phát triển với việc yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa?".
Vấn đề làm thế nào để du lịch cất cánh cũng được đại biểu Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đặt ra. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, du lịch hiện chỉ đạt 9,5% GDP, nên theo Nghị quyết Bộ Chính trị phấn đấu là ngành mũi nhọn, đóng góp 10% GDP. Giải pháp tập trung là khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam đặc biệt là năng lực cạnh tranh, công tác quản bá xúc tiến, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về du lịch: "Làm thế nào phát triển du lịch bền vững, không ảnh hưởng môi trường sinh thái và di sản? Đây là vấn đề lớn, nước ta phát triển nhiều nhà máy, khu du lịch nơi này nơi khác cũng ảnh hưởng bảo tồn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tất cả mọi cái đều làm được, nhưng di sản không thể làm lại nên không thể hi sinh di sản, nên phát triển phải luôn lưu ý bảo tồn di sản".
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhận được một số chất vấn về hiện tượng thương mại hóa du lịch tâm linh, hành vi mê tín dị đoan. Ông khẳng định thương mại hoá công trình tâm linh, lợi dụng tâm linh thu lời bất chính là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý theo quy định. Hành vi mê tín dị đoan cũng cần loại bỏ trong đời sống nhưng không thể giải quyết trong thời gian ngắn, cần kiên quyết và kiên trì tăng cường hiệu quả công tác quản lý.