Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khai mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

HÀ NỘI - Sáng 6/1 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 41.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, trong thời gian 1,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 04 dự án luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đây là nhóm luật đầu tiên (trong tổng số 10 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua) đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý rất khẩn trương để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay tại phiên họp này.

quoc-hoi-060125
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ 41 – Phiên bản đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 02 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024; cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục lưu ý, Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần của Kỳ họp thứ 8 vừa qua; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết;

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Trước mắt, ngay trong Quý 1/2025 tập trung tổ chức Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025 để Quốc hội xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách khác theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết những nội dung này liên quan tới việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và gần 300 luật liên quan đến chuyên ngành, liên quan đến tổ chức. Bộ Tư pháp cũng đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản nghị định, thông tư liên quan tới việc điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động chuẩn bị để trình Quốc hội sửa đổi. Ngoài ra, theo Chương trình công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai những hoạt động mới, lần đầu tiên tổ chức theo tinh thần "đúng vai, thuộc bài" như Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao, Diễn đàn Pháp luật; đồng thời, có thể tổ chức thêm hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao và xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Bình luận