Nhằm trao đúng đối tượng, đúng số lượng và không để sai sót xảy ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền tuyên truyền về truyền thống "tương thân, tương ái", "nhường cơm sẻ áo" trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ đến các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, nhất là những hộ nghèo ở vùng thiên tai, bão lũ, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn với mức chi cụ thể cho từng đối tượng.
Đề cập đến vấn đề này, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm.
Tặng quà cho người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo
* VOH: Xin Thứ trưởng cho biết về kế hoạch hỗ trợ cũng như tặng quà cho người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu năm nay?
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Trên cơ sở thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và được Chủ tịch nước phê duyệt năm nay quà có mức 400.000 đồng/suất, dành tặng cho các đối tượng là người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945; bà mẹ Việt nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động trong kháng chiến; thân nhân hai liệt sỹ trở lên và những thương bệnh bệnh binh bị giảm khả năng lao động, thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên. Còn quà 200.000 đồng/suất sẽ dành cho các đối tượng bao gồm: thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống; đại diện của thân nhân liệt sỹ, người thờ cúng liệt sỹ; người có công giúp đỡ cách mạng và người nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm sức lao động từ 80% trở xuống.
Tổng số phần quà mà nhà nước sẽ dành tặng cho các gia đình người có công gồm 431 tỷ đồng. Còn với người nghèo và các nhóm yếu thế khác thì Bộ đề nghị các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp cho các đối tượng trong dịp Tết Đinh Dậu. Đẩy mạnh phong trào vận động các tổ chức cá nhân để chăm lo Tết cho người nghèo với phương châm không đề người dân nào không có Tết.
Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt trao 100 phần quà Tết cho người nghèo tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lương Anh)
* VOH: Đến thời điểm này, các địa phương đã thực hiện việc chăm lo Tết cho các nhóm đối tượng này như thế nào, thưa ông?
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Hiện nay chúng tôi đã nắm được trên 40 tỉnh, thành phố đã ban hành được kế hoạch dành ngân sách cũng như vận động để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng yếu thế, người có công trong dịp Tết nguyên đán. Mức hỗ trợ phổ biến là 300.000 đồng/hộ. Một số tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn. TPHCM dự kiến mức hỗ trợ là 950.000 đồng cho một đối tượng bảo trợ xã hội, 1,1 triệu đồng đối với hộ nghèo. Bình Dương khoảng 1,5 triệu đồng. Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu dao động trong mức từ 600.000 đến 800.000 đồng cho một hộ.
Có một số tỉnh thành phố có số kinh phí tặng quà Tết từ ngân sách khá lớn ví dụ như Hà Nội sẽ dành 285 tỷ đồng, TPHCM 661 tỷ đồng, Bình Dương 182 tỷ đồng, Hải Phòng 98 tỷ đồng, Cần Thơ 100 tỷ đồng và nhiều địa phương khác đều đã có kế hoạch.
Nhìn chung các địa phương ngoài vấn đề trích ngân sách cũng đều quan tâm đến việc vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục giúp đỡ cho người nghèo, các đối tượng yếu thế để ai cũng có Tết. Đón xuân vui Tết lành mạnh, tiết kiệm.
10.000 tấn gạo cho nhân dân vùng bị lũ lụt, thiên tai
* VOH: Ngoài nguồn hỗ trợ như ông vừa nêu, người dân ở vùng lũ lụt, thiên tai có được giúp đỡ gì khác trong dịp Tết nguyên đán này không?
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Để hỗ trợ cho người dân các tỉnh miền Trung và Tây nguyên khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra rồi hạn hán xảy ra hồi giữa năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gần 10.000 tấn gạo cho nhân dân ở các vùng này.
Ngoài ra, các tỉnh còn được hỗ trợ kinh phí để khôi phục lại cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ giống, vốn để khôi phục lại sản xuất và xử lý vệ sinh môi trường ngăn ngừa dịch bệnh sau mùa lũ. Nhìn chung, với sự nỗ lực của địa phương, của chính người dân và sự hỗ trợ của Chính phủ thì tình hình sản xuất đang ổn định trở lại và an sinh xã hội được đảm bảo tốt để người dân có điều kiện đón Tết.
* VOH: Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong công tác xã hội hóa việc chăm lo Tết cho cho các nhóm đối tượng trên những năm qua?
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Điểm thuận lợi là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước công tác chăm lo Tết cho các đối tượng luôn được các cấp, các ngành triển khai tốt. Người dân và các doanh nghiệp đã dành tâm lý, tình cảm, một cái trách nhiệm tham gia cùng Nhà nước chăm lo đời sống an sinh nói chung và Tết đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là các phong trào vận động “ngày vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo” và nạn nhân chất độc da cam... thì được mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ Thập đỏ, các tổ chức Hội, đoàn thể triển khai rất đồng bộ, quyết liệt và đạt được hiệu quả rất cao. Mỗi năm huy động được hàng trăm tỷ đồng, triệu suất quà Tết bằng cả tiền mặt và hiện vật để giúp cho người nghèo.
Và Tết năm 2017 này, Hội chữ thập đỏ cũng sẽ huy động khoảng 2 triệu suất quà chăm lo Tết cho các đối tượng yếu thế, người nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chúng ta thấy vẫn còn khá nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm nay tình hình bão lũ, hạn hán xảy ra trên diện rộng và suốt cả năm cho nên trong năm đã có rất nhiều cuộc vận động. Chính điều này mà việc vận động sẽ có những khó khăn hơn. Đó là một thách thức mà chúng ta cần phải tập trung huy động và kêu gọi sự tham gia hết sức tích cực và trách nhiệm của tất cả cộng đồng, xã hội thì mới có thể lo được cái Tết cho người dân như mong muốn.
* VOH: Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ đã có chỉ đạo gì để các phần quà đến kịp thời và đúng đối tượng dịp Tết này nhằm tránh tình trạng quà đến chậm, đến không đúng đối tượng và bị bớt xén?
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Năm nay rút kinh nghiệm của các năm trước thì Bộ đã chỉ đạo và lập kế hoạch sớm cũng như chỉ đạo các địa phương làm rất tốt, không để sai sót xảy ra. Năm nay Bộ vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ tập trung phối hợp với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tham mưu cho UBND các tỉnh có chỉ đạo thật sát sao đối với cơ sở khi mà nhận được tiền, hàng, quà thì cần phải có kế hoạch rất cụ thể về đối tượng về mức chi, thời gian cấp như thế nào để đảm bảo đến kịp thời, tận tay và đúng số lượng như kế hoạch đã đề ra và tránh những sai sót.
* VOH: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!