Góp ý cho dự thảo, đề cập đến vấn đề quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đề nghị xem xét bỏ quỹ. Nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn.
Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.
Bên cạnh đó, cũng giảm thiểu rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu như trường hợp của một số thương nhân đầu mối như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… được phát hiện thời gian qua. Qua đó, góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ của doanh nghiệp.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty dầu Việt Nam - PVOil cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn vì hiện nay giá thị trường xăng dầu lên xuống không theo quy luật, nhưng mỗi kỳ điều hành giá doanh nghiệp cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao…
Bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào, thì bản chất không phải bình ổn.
Tại hội nghị ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng, dự thảo nghị định muốn ‘sống’ được thì cần phải bám sát các vấn đề cuộc sống, bám sát thị trường. Những vấn đề còn bất cập qua thanh, kiểm tra, cơ quan quản lý sẽ ghi nhận và tiếp thu để thị trường dần ổn định.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cũng cho rằng, quy định cho phép được ký hợp đồng với 3 đại lý là quy định rất rủi ro nên tập đoàn không triển khai quy định này.
Ông đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại điều khoản này. Việc tăng dự trữ từ 20 ngày lên 30 ngày cũng là một vấn đề lớn với doanh nghiệp. Nếu Nhà nước muốn nâng dự trữ lên 50-60 ngày thì Nhà nước phải đầu tư, bỏ vốn ra, không thể chuyển hết sang cho các doanh nghiệp.