Chờ...

Kiến nghị giảm thuế cho các cơ quan báo chí

VOH - Sáng 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024 diễn ra phiên thảo luận về đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí.

Phát biểu đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng hiện nay, nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới.

"Chưa bao giờ nguồn thu từ thị trường lại có tác động mạnh như bây giờ", ông Lâm nhận định và cho biết xu hướng quảng cáo đang chuyển dịch sang nhiều không gian khác, như không gian số.

Theo ông Lâm, nhiều cách tìm khách hàng không còn phải đi qua các cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn.

Các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận nhiều con đường khác để tìm kiếm nguồn thu.

Kiến nghị giảm thuế cho các cơ quan báo chí
Báo chí cần tạo đột phá nguồn thu từ các nền tảng mạng xã hội - Ảnh: TTO

Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhìn nhận sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí.

Trong đó sự thay đổi thể hiện rõ trên 3 khía cạnh là hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.

Ông Đồng gợi ý các cơ quan báo chí cần chú trọng tới nguồn thu mới từ độc giả nhiều hơn. Muốn vậy phải hiểu được hành vi xem tin tức của độc giả.

Viện trưởng IPS nói các tòa soạn đa dạng hóa tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nhiều hơn. Nỗ lực đa dạng các kênh tiếp cận độc giả, bởi có độc giả mới có nguồn thu.

Đồng tình nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi cho rằng không gian mạng là trận địa chính của báo chí, ông Đồng cho rằng: "Nếu báo chí không làm tốt vai trò hiện diện trên mạng xã hội sẽ không tạo đột phá, sự cạnh tranh về mặt nguồn thu".

Về ngắn hạn, ông Nguyễn Quang Đồng kiến nghị các bộ liên quan đề xuất cơ chế giảm thuế cho các sản phẩm báo chí và các cơ quan báo chí để báo chí có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung.

Về dài hạn, cần có cơ chế thúc đẩy xã hội hóa để tăng nguồn đầu tư, nhất là đầu tư năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí.