Đăng nhập

Kon Tum, Quảng Nam ghi nhận 26 trận động đất trong tháng 3

00:00
00:00
00:00
VOH - Trong tháng 3/2025, cả nước ghi nhận 26 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,7, tập trung tại các khu vực được xem là "điểm nóng động đất" của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), phần lớn các trận động đất này xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, trong số 26 trận động đất, có 23 trận xảy ra tại Kon Plông, trong khi 3 trận còn lại được ghi nhận tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nam Trà My từng được biết đến là một "điểm nóng động đất" kể từ năm 2012, khi Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước phát điện.

Một số ngày trong tháng ghi nhận nhiều trận động đất liên tiếp, đáng chú ý như ngày 2/3: 3 trận động đất (độ lớn từ 3,0 đến 3,2), ngày 6/3: 3 trận động đất (độ lớn từ 2,6 đến 3,7), ngày 18/3: 3 trận động đất (độ lớn từ 2,6 đến 3,0), ngày 25/3: 3 trận động đất (độ lớn từ 2,5 đến 2,9)

Đặc biệt, ngày 31/3 ghi nhận 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2,6 đến 3,1, tất cả đều xảy ra tại Kon Plông.

Nhà người dân ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi xuất hiện vết nứt nghi do động đấtXem toàn màn hình
Ảnh minh họa: Internet

Riêng ngày 28/3 chỉ ghi nhận một trận động đất có độ lớn 3,0 tại Kon Plông, nhưng do ảnh hưởng từ dư chấn của trận động đất mạnh xảy ra ở Myanmar, nhiều tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và TPHCM vẫn cảm nhận được sự rung lắc rõ rệt.

Theo Viện Các Khoa học Trái Đất, đa phần các trận động đất tại Việt Nam là động đất nhỏ hoặc động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy bên dưới.

Các yếu tố như mực nước hồ, tốc độ tích nước, tổng lượng nước đều có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của động đất, với thời gian tác động kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Từ năm 2021 đến nay, động đất tại Kon Plông diễn ra với tần suất dày đặc, trở thành một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Nguyên. Trong tháng 2/2025, khu vực này cũng đã ghi nhận 26 trận động đất, với 19 trận xảy ra tại Kon Plông và 7 trận tại Nam Trà My.

Trước tình hình động đất tiếp tục diễn biến phức tạp, Viện Các Khoa học Trái Đất khuyến nghị các địa phương có phương án thiết kế kháng chấn cho các công trình trọng điểm, đặc biệt tại vùng gần tâm chấn.

Chính quyền địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên, tuân thủ quy định về phòng, chống động đất và sóng thần.

Theo quy chế phòng chống động đất, ủy ban nhân dân các cấp phải nhanh chóng thông báo tin động đất và hướng dẫn sơ tán dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng cũng cần chủ động phòng tránh và thực hiện các biện pháp an toàn để giảm thiểu rủi ro.

Bình luận