Chờ...

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam

(VOH) - Ngày ra đời Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng cũng là Ngày truyền thống Ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2019). 

Ngày 26/10, Lễ kỷ niệm 90 năm ngày ra đời Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng - Ngày truyền thống Ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2019) được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Uỷ viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã đến dự.

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam

Các tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh cách đây 90 năm, vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3 Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ được thành lập với sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự.

Chi bộ gồm 6 thành viên do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc bãi công của công nhân Cao su Phú Riềng đã giành thắng lợi. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của quần chúng công nhân lúc đó có tiếng vang trong cả nước và thế giới đã làm nên "Phú Riềng Đỏ" anh hùng.

Trải qua lịch sử 90 năm, Phú Riềng Đỏ là một địa danh lịch sử trên đất nước ta đã góp phần tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào, là trang sử vàng của nhân dân Bình Phước và của công nhân Ngành cao su Việt Nam.

90 năm qua, dù trải qua bao thăng trầm biến đổi, ngành cao su tự hào có một truyền thống hết sức vẻ vang, gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Truyền thống đó được tạo dựng, vun đắp từ sự đóng góp bằng tâm sức, mồ hôi, sinh mạng và trí tuệ của hàng vạn con người qua nhiều thế hệ. Lịch sử phát triển của ngành cao su luôn gắn liền và hòa vào dòng chảy của lịch sử đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những thế hệ ngành cao su Việt Nam đã có sự đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của ngành gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế  - Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Thành quả đó được khẳng định khi sản lượng cao su mỗi năm của Việt Nam đạt trên 1 triệu tấn; năng suất vườn cây xếp tốp đầu thế giới. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,56 triệu tấn cao su các loại, xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu cao su, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Tại buổi lễ đã có 17 tập thể, cá nhân của Tập đoàn  Công nghiệp Cao su Việt Nam trong đó có Tập đoàn Cao su Việt Nam và Công đoàn cao su Việt Nam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.

Dịp này, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã ra quyết định công nhận bài hát Cao su Việt Nam của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn là bài hát truyền thống ngành Cao su Việt Nam.

Tổng kết việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp - (VOH) – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp.