Chờ...

Luật căn cước (sửa đổi): Căn cước công dân sẽ không còn vân tay

(VOH) – Đây là một trong những điểm thay đổi trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ngoài ra còn có các chi tiết về thông tin số thẻ, quê quán, nơi thường trú, chữ ký….

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Luật căn cước (sửa đổi): Căn cước công dân sẽ không còn vân tay 1
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án luật thay đổi tên gọi thành Luật Căn cước vì nội dung thay đổi căn bản so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, sửa đổi tất cả 39 điều, bổ sung 7 điều.

Qua hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, cần được sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số theo Đề án 06.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước điều chỉnh theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Bộ trưởng Tô Lâm giải thích việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Trường hợp cấp đổi, cấp lại; trình tự, thủ tục cơ bản kế thừa các quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và bổ sung theo hướng thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất để cấp lại.