Tiêu điểm: Nhân Humanity

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) "gọi tên" 16 hành vi bạo lực

(VOH) - Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp, có 465 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 93,37%. Như vậy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã chính thức được thông qua.

Chiều nay, Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy 465 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 93,37%. Như vậy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định cụ thể 16 hành vi bạo lực 1
465 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trước khi các đại biểu biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý một số điều khoản tại dự thảo.

Như tại Điều 24 chỉnh lý theo hướng quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc;

Luật cũng quy định giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định, tổ chức việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đây chính là điểm mới trong luật sửa đổi. Người có hành vi bạo lực gia đình sẽ thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng (là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú).

Một trong những điểm mới khác của luật là quy định cụ thể về 16 hành vi bạo lực gia đình, dựa trên các yếu tố về bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục. Ngoài ra, một số hành vi bị cấm gồm kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật.

Bình luận