Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trên internet

(VOH) - Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo trong xã hội.

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý, chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo trong xã hội.

Bên hành lang quốc hội, các đại biểu đánh giá cao sự kịp thời chỉ đạo này.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM). Ảnh: Quochoi

Đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TPHCM) cho rằng, thời gian qua tình trạng lừa đảo trên mạng internet có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người trở thành nạn nhân thiệt hại cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng là kịp thời ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên mạng để bảo vệ quyền sở hữu, tài sản và bảo vệ sức khỏe tinh thần của nhân dân: "Để phòng, chống các đối tượng này phải nói là hết sức khó khăn. Có những đường dây đối tượng cầm đầu ở nước ngoài, đối tượng thực hiện ở Việt Nam nên việc đưa ra xét xử là hết sức khó khăn. Đã có rất nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho nên thời điểm này thủ tướng ban hành Chỉ thị này là hết sức cần thiết...".

Thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng… Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đề nghị các bộ, ban, ngành cần rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo này: "Cuộc cách mạng 4.0 phát triển, cũng như trào lưu phát triển internet hiện nay là việc rất cần phải làm để đảm bảo công tác quản lý nhà nước; đảm bảo việc kiểm soát hoạt động mang tính chất lừa đảo, xâm phạm đến quyền lợi, lợi ích của người khác. Việc kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thể xử lý hành vi, vi phạm trước pháp luật liên quan lừa đảo, chiếm dụng, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công dân".

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Bộ Công an có giải pháp siết chặt và xử lý nghiêm minh tội phạm lừa đảo qua mạng: "Luật An ninh mạng đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng chờ mong một sự chuyển biến rõ ràng hơn, tích cực hơn. Không chỉ liên quan đến bộ chủ quản là Bộ thông tin Truyền thông mà còn liên quan đến Bộ Công an, sự vào cuộc và phối hợp giữa hai cơ quan này là vô cùng cần thiết. Đương nhiên là trong thời đại mà như mọi người vẫn nói là trong thời đại công nghệ 4.0 thì nó sẽ nở rộ các hình thức lừa đảo mới như là hình thức lừa đảo qua mạng này, cũng cần phải các cơ quan chức năng cũng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời để làm sao ngăn chặn tốt nhất đảm bảo cuộc sống cho người dân".

Còn theo đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM), công tác truyên truyền để người dân cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hướng dẫn người dân biết cách cảnh giác tự phòng ngừa là một trong những giải pháp cần được chú trọng trong thời gian tới: "Phải có thông tin để làm sao người dân có cảnh giác cao và thứ hai là phải có chế tài mạnh mẽ mang đủ sức răn đe. Chứ để khi bị lừa đảo theo tái diễn cũ là được vạ má đã sưng. Như vậy thì việc răn đe chưa có hiệu quả. Cho nên việc này thì tôi nghĩ nên tuyên truyền cảnh giác cũng như là phải truy ra được nguồn gốc kẻ lừa đảo để phạt mang tính răn đe...".

Bình luận