Tại cuộc họp, lãnh đạo Thành phố cho biết, ngày 31/12 tới, TPHCM sẽ công bố Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Dự thảo Nghị định có 7 chương, 44 điều trong đó liên quan đến các vấn đề chủ yếu như tổ chức, hoạt động của UBND quận, phường khi hai cấp này là đơn vị hành chính nhà nước (không phải là cấp chính quyền); Chế độ công vụ, công chức triển khai thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM; Dự toán chấp hành và thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước khi quận, phường không còn là cấp chính quyền, không còn được cấp ngân sách.
Bên cạnh đó, TPHCM đã xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong đó có đề án xây dựng thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn lưu ý ban soạn thảo, tổ biên tập trong dự thảo Nghị định chưa có chương nào về nội dung này. Bên cạnh đó, về nguyên tắc tập trung dân chủ, Thứ trưởng cho biết thêm: “Để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đều thực hiện chế độ Thủ trưởng. Nguyên tắc trong tổ chức chính trị của chúng ta đều là lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nền tảng. Chế độ thủ trưởng thì cũng phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong đơn vị nhưng quyết định vẫn là người đứng đầu. Có thể khác ý kiến các thành viên nhưng thủ trưởng có quyền quyết và chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, Nghị quyết số 1111 năm 2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức là cơ sở để thành phố chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thành phố đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để công bố thành lập thành phố Thủ Đức.
Dự kiến, ngày 31/12/2020 sẽ làm lễ công bố Nghị quyết 1111 thành lập Thành phố Thủ Đức. TPHCM đã báo cáo để Chủ tịch Quốc hội tham dự.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề xuất cơ quan chức năng xem xét thêm phó chủ tịch cho UBND thành phố thuộc thành phố: “Thành phố Thủ Đức sẽ có không quá 4 phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố không quá 13 phòng trong đó có 10 phòng thuộc Nghị định 308 và 3 cơ quan khác, số lượng phó trưởng phòng bình quân mỗi phòng là 3 người. Thành phố Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập cơ quan khác, phù hợp thực tiễn của địa phương. Thành phố Thủ Đức cũng là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ nên cần thiết phải có phòng khoa học công nghệ. Thành phố kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, bổ sung thêm các kiến nghị về phân cấp vào dự thảo Nghị định lần này để thành phố có cơ sở tốt nhất cho việc tổ chức chính quyền đô thị”.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, trong quá trình nghiên cứu dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ chuẩn bị, Thành phố nhận thấy cần đề xuất một chương quy định các vấn đề cơ sở nền tảng cho việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM như cơ cấu tổ chức bộ máy, vấn đề ngân sách của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, khoản 2, điều 6, Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quyết định và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM để thực hiện từ năm 2021. Đây cũng là cơ sở để TPHCM chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thành phố Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rộng khoảng 211 km2, trên cơ sở diện tích các quận 2, 9 và Thủ Đức; dân số hơn 1 triệu người. Đây là hạt nhân thúc đẩy TPHCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến Thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kiến nghị: “Đối với nội dung này, thành phố đã lấy ý kiến các cơ quan đơn vị liên quan tương đối kỹ càng để tổng hợp tất cả đề xuất phân cấp trình cơ quan trung ương xem xét, có ý kiến tại công văn 3574 ngày 17/9/2020 và hôm nay Thành phố kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung thêm các kiến nghị phân cấp vào dự thảo nghị định lần này để thành phố có cơ sở tốt nhất cho việc tổ chức chính quyền đô thị, đảm bảo đủ năng lực chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của thành phố, cũng như tạo điều kiện hơn nữa cho thành phố phát triển nhiều hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển đất nước”.