Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa

(VOH) - Bên cạnh sự chăm lo cho dân từ các cấp chính quyền, các cơ sở tôn giáo và nhóm thiện nguyện đã đồng hành giúp đỡ lực lượng tuyến đầu, người dân trong đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, ở thời điểm TPHCM siết chặt giãn cách xã hội, cứ ngỡ họ sẽ dừng hoạt động, thế nhưng bằng tất cả cố gắng, họ vẫn tiếp tục đem những suất cơm nghĩa tình, những bình ô xy đến tay người dân, vẫn dũng cảm ở bên cạnh chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Xung quanh nội dung này, VOH có loạt bài “Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa” với bài 1, nhan đề  “Tôn giáo đồng hành cùng Thành phố chống dịch COVID-19”.

Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa (kỳ 1) 1
Bếp ăn nghĩa tình do chùa Một Cột tổ chức nấu 

Đến bếp ăn của trường tiểu học Lương Thế Vinh (phường Bình Thọ - Thành phố Thủ Đức) trong thời điểm dịch Covid-19 này, sẽ thấy cảnh làm việc nhộn nhịp của các tình nguyện viên. Nhóm ngồi cắt rửa rau củ, nhóm làm đầu bếp nấu ăn, nhóm soạn canh, cơm, nhóm khác thì đóng hộp cơm bỏ túi. Thỉnh thoảng, tiếng xe tải chạy ra vào giao hàng, những tình nguyện viên nam, gồm cả các sư thầy gọi nhau ra khiêng các bao tải thực phẩm chất vào kho. Công việc này đã kéo dài hơn 2 tháng. Dù trong tình hình dịch bệnh bùng phát và siết chặt giãn cách nhưng bếp ăn nghĩa tình vẫn luôn rộn ràng tiếng chảo khua.

Đại đức Thích Minh Đạo - trụ trì chùa Một cột Thủ Đức cho biết, bếp ăn này đã đỏ lửa hai tháng qua, mỗi ngày cung cấp khoảng 6.000 suất ăn cho khu phong tỏa, lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu, bệnh viện dã chiến ở TPHCM…Trước đó, chùa tổ chức nấu 1.300 suất cơm phục vụ cho lực lượng tuyến đầu và lực lượng chống dịch phường Tân Phú. Sau đó, nhận thấy số lượng người dân gặp khó khăn tăng lên nên số suất ăn cũng tăng theo. Không những vậy, khi tỉnh Bình Dương bùng dịch, chùa cũng đã thành lập thêm 1 bếp ở tỉnh này với 1.500 suất ăn/ngày. Đại đức Thích Minh Đạo cho biết thêm: “Không có kêu gọi quyên tiền, thầy dùng tiền mà chùa để dành xây chùa nhưng thấy nhân dân đang khó khăn nên quyết định tạm hoãn xây, lấy tiền lo cho dân. Những bếp ăn này sẽ hoạt động đến khi nào dịch bệnh ở TP.HCM và Bình Dương hết giãn cách thì bếp mới ngừng”.

Mỗi suất ăn chùa Một Cột có giá 18.000/hộp, 6.000 suất ăn hết 108 triệu đồng/ngày. Số tiền này không hề nhỏ khi tính toán trong hai tháng qua, con số lên hàng tỷ đồng, chưa tính chi phí thuê người đứng bếp. Tuy nhiên, tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm biết được cũng đem thực phẩm biếu tặng. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức khi nhận được rau củ từ nơi khác trao tặng cũng đem đến góp cùng bếp ăn nghĩa tình của chùa Một Cột. Lòng từ bi của nhà Phật lan tỏa và kết nối những tấm lòng thiện nguyện khác hội tụ. Vì vậy, không chỉ chùa Một Cột ở Thủ Đức, mà nhiều ngôi chùa khác tại TPHCM đã đồng hành cùng chính quyền thực hiện nhiều chương trình chăm lo cho người dân vùng dịch.

Công giáo tại Việt Nam cũng hoạt động thiện nguyện sôi nổi. Ngày 12/7, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết thư kêu gọi tín hữu Công giáo, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu người dân ở vùng dịch TPHCM. Cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, khẩn trương lập đường dây nóng, địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm như rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh) đem tặng TPHCM. Ngoài lương thực, cũng cần hỗ trợ tài chính cho người nghèo, người vô gia cư, khám chữa bệnh cho người dân.

Theo đó, Giáo hội Công giáo đã tổ chức 10 siêu thị mini 0 đồng trong tháng 7 để hỗ trợ khoảng 20.000 hộ dân khó khăn vì dịch Covid-19 ở TPHCM. Không những thế, những nhà dòng, giáo xứ cũng mở các siêu thị 0 đồng cho dân. Có thể kể đến như giáo xứ Tân Sa Châu (phường 2, quận Tân Bình) đã tổ chức “cây ATM” lướt ống, phục vụ bà con từ thứ 2 đến thứ 7, với các món như: bánh mì, mì tôm, khoai lang, gạo, trứng, suất cơm phần. “Cơm ở đây nấu ngon. Chị thất nghiệp từ đầu mùa dịch Covid-19 tới giờ. Mỗi ngày, hai mẹ con ra đây lấy cơm ăn", một chị nhà ở gần cây ATM xúc động cho biết.

Ngọn lửa thiện nguyện vẫn lan tỏa (kỳ 1) 2
Những tình nguyện viên giáo xứ Tân Sa Châu phát thực phẩm cho dân

Cây ATM lướt ống hoạt động đều đặn cho đến khi dịch bệnh bùng phát, khi thành phố thực hiện chỉ thị 16 thì tạm ngưng. Trong khó khăn đó, những vị linh mục, giáo dân đã nghĩ ra cách khác giúp dân không thiếu thốn cái ăn. Họ mặc đồ bảo hộ y tế, chất thực phẩm lên một chiếc cũi có gắn bánh xe, rồi kéo đi dọc các tuyến đường, ngõ hẻm để phát cho các hộ dân. Khi thành phố thực hiện chỉ thị 16 siết chặt hơn, các giáo xứ, dòng tu cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân gọi đến. Nhận được thông tin người kêu cứu, các linh mục, nữ tu, giáo dân chất hàng lên chiếc xe máy, chạy đến nơi dân cần tiếp tế thuốc men, thực phẩm.

Không chỉ hỗ trợ về thực phẩm, thuốc men, những tình nguyện viên Công giáo, Phật giáo, Tin lành còn dấn thân tình nguyện ở các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Tu sĩ Đào Thị Phương Liên, dòng Trinh Vương Sài Gòn - tình nguyện viên tham gia chống dịch cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được thể hiện sự đóng góp của các nữ tu Công giáo. Điều này cũng nói lên sự đoàn kết của dân tộc, của các tôn giáo để cùng nhau cứu trợ khi chúng ta đang gặp khó khăn. Chúng tôi thấy Nhà nước rất quan tâm tới người dân, y bác sĩ ở tuyến đầu quá mệt và nay chúng tôi rất sung sướng khi được tiếp quân, cùng thành phố chống dịch”.

Theo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, hiện nay, có 600 tình nguyện viên tôn giáo tham gia phòng chống dịch ở các bệnh viện dã chiến. Trong đó, có những người đã từng tham gia đợt đầu tiên và khi hết nhiệm vụ họ xung phong xin ở lại bệnh viện làm tình nguyện viên tiếp.

“Tất cả những vị này có tinh thần sẵn sàng dâng hiến năng lực và nhiệt huyết của mình cho việc phòng chống Covid-19. Chúng tôi tin rằng, với sự góp tay của các vị trong tuyến đầu chống dịch và sự đồng lòng của nhân dân thì chúng ta sẽ vượt qua đại dịch COVID-19”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu đánh giá, đây là đội quân xuất sắc trong phòng chống dịch Covid 19.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, các tôn giáo ở TPHCM đã đồng hành chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua, đóng góp cả vật chất và nhân lực. Nhờ sự chung tay của họ mà gánh nặng an sinh xã hội cho người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của TPHCM được chia sẻ bớt. Những tình nguyện viên đặc biệt này còn giúp nâng đỡ tinh thần cho người bệnh. Bên cạnh đó, đứng trước khó khăn chung của thành phố, những người dân có đủ tài lực cũng đã xông xáo chung tay hỗ trợ các chuyến xe thực phẩm cho khu cách ly, khu phong tỏa, cho các hộ nghèo; đem những bình oxy lúc nửa đêm cấp cứu cho bệnh nhân tại nhà; tặng những trang thiết bị y tế cho bệnh viện... Những tấm lòng thơm thảo ấy sẽ tiếp nối công tác phòng chống dịch.

Bình luận