Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiễm HIV/AIDS chưa phải là bản án tử

(VOH) - Với nhiều người bị nhiễm HIV/AIDS, ngoài việc sống chung với bệnh tật cả đời còn chịu áp lực từ sự kỳ thị của cộng đồng.

Nhiều năm nay, nhờ vào công tác tuyên truyền, vấn đề này đã được giảm bớt, chất lượng sống của những người bệnh cũng được nâng cao. Trong đó, vai trò của lực lượng TNXP TPHCM - đơn vị đang quản lý nhiều cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành lân cận là rất lớn.

Nhiễm HIV/AIDS chưa phải là bản án tử

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc để kết thúc đại dịch AIDS. Ảnh: internet

Học viên Lê Kỳ Hải đang học tập và lao động tại Đội Quản lý giáo dục học viên số 4, cơ sở cai nghiện ma túy số 2, cho biết khi bị nhiễm HIV nghĩ là hết, không còn sống được bao lâu nữa. Buồn bực Hải tìm đến ma tuý cho thỏa nỗi buồn, nhưng rồi nhìn ánh mắt đau buồn của mẹ, cái thở dài bất lực của cha, Hải đã tỉnh ngộ, nghe lời gia đình vào trung tâm cai nghiện.

Những ngày tháng ở đây, tư tưởng của Hải đã thay đổi khá nhiều, được nghe thông tin hàng ngày về căn bệnh HIV/AIDS, được tiếp xúc, trò chuyện với thầy cô, bác sĩ… từ một người bi quan với căn bệnh quái ác, Hải đã nghĩ rằng, mình cần phải cai nghiện thật tốt để sớm trở về gia đình. 

"Bản thân em tham gia các lớp học chuyên đề về nội dung phòng, chống tác hại của HIV/AIDS thường xuyên được tư vấn các tác hại của HIV/AIDS do cán bộ phòng giáo dục tư vấn và các thầy tại đội thực hiện. Để hưởng ứng tháng hành động quốc gia về HIV/AIDS, em đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao do cơ sở tổ chức như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thi karaoke tại đội và chuẩn bị tham gia hội diễn tiểu phẩm phòng chống ma túy do các cơ sở tổ chức", Hải cho biết thêm.

Tại bất kỳ cơ sở cai nghiện nào của lực lượng TNXP, ban giám đốc cũng xác định phải tạo mọi điều kiện, tổ chức thật nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích cho các học viên nhanh chóng được cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý. Chú trọng công tác tuyên truyền để các học viên hiểu về căn bệnh của mình, cách thức phòng ngừa, tránh lây lan ra cộng đồng và có thái độ sống tích cực.

Ông Phạm Chí Bình - Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, nơi đang quản lý hơn 1.000 học viên cai nghiện ma túy, trong đó, có 57 học viên bị nhiễm HIV cho biết, các hoạt động được thực hiện đồng bộ ở tất cả các bộ phận. Đồng thời tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, treo băng rôn, khẩu hiệu về phòng, chống tác hại của HIV/AIDS, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thái độ của cán bộ, nhân viên và học viên cai nghiện ma túy.

Song song đó, đơn vị tổ chức cho học viên xây dựng các tiểu phẩm tham gia hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Phối hợp với Phòng Khám lưu động OPC Thủ Đức thực hiện xét nghiệm HIV tự nguyện cho học viên... Công tác tham vấn, tư vấn cho học viên, đặc biệt là các học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa cũng được quan tâm.

"Đại đa số học viên cai nghiện ma túy tại Cơ sở 2 nói riêng và cả thành phố nói chung là thông qua các hoạt động truyền thông, các hoạt động tuyên truyền nên cơ bản hiểu rất rõ về căn bệnh này từ đó họ có cách sống rất nghiêm túc trong phòng ngừa cho mình cùng những người xung quanh. Một số học viên khi biết mình bị nhiễm HIV cùng có thái độ rất bình tĩnh, không căng thẳng tâm lý, không gây áp lực như trước đây,… Qua đó cho thấy công tác tuyên truyền, truyền thông rất có hiệu quả", ông Bình cho hay.

Bên cạnh hình thức tuyên truyền, vận động, hoạt động vui chơi, giải trí cũng được các cơ sở cai nghiện ma túy chú trọng, góp phần mang lại niềm vui cho học viên sau những giờ lao động, học tập. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3, đóng trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, một trong những hoạt động được học viên cai nghiện ma túy yêu thích là hội chợ văn hóa - ẩm thực được tổ chức mỗi tháng một lần và vào dịp lễ, Tết.

Tại đây, giáo viên và học viên cùng nhau chuẩn bị, nấu nướng những món ăn mình yêu thích. Chính điều này, tình cảm thầy – trò càng thêm gắn bó; khoảng cách giữa các học viên có HIV và không có HIV hầu như không còn nữa, thay vào đó là những nụ cười hạnh phúc và đoàn kết.

Ông Trương Quang Nam, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3, cho biết đại dịch HIV/AIDS là mối hiểm họa với tính mạng, sức khỏe con người, tương lai nòi giống của quốc gia, dân tộc. Thông qua những chương trình, đơn vị mong muốn nâng cao nhận thức viên chức, người lao động, người cai nghiện ma túy về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, xây dựng cho người cai nghiện các kỹ năng phòng và chữa trị để hỗ trợ cho bản thân, gia đình và xã hội khỏi lây nhiễm. Và qua đó cũng nhằm giảm sự kỳ thị, phân biệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị với những người nhiễm HIV/AIDS.

Là đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng TNXP TPHCM trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, năm 2005, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP đã thành lập một phòng khám ngoại trú điều trị tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân và hoạt động cho đến bây giờ. Năm 2011 đến nay trung tâm cũng đã phối hợp với lực lượng TNXP tổ chức những đoàn khám lưu động đến các cơ sở cai nghiện để tư vấn, xét nghiệm HIV cho học viên, điều trị, hỗ trợ kỹ thuật cho những phòng y tế ở các cơ sở này.

Bác sĩ Dương Minh Hải - Phó Quản lý điều trị Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cho biết Trung tâm phòng chống HIV/AIDS có những hoạt động chính như: những hoạt động can thiệp giảm tác hại và giám sát dịch HIV/AIDS trong đó có các hoạt động can thiệp, dự phòng cho nhóm tiêm/chích ma túy, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Hoạt động nổi bật nhất là hoạt động điều trị HIV/AIDS thì trong đó có hoạt động dự phòng HIV/AIDS từ mẹ sang con, và hoạt động điều trị HIV/AIDS tại 31 phòng khám ngoại trú đặt rải rác tại các quận/huyện tại TPHCM. Và trong 6 tháng đầu năm thì đang điều trị 33.500 bệnh nhân HIV/AIDS thì hoạt động chính là hướng tới mục tiêu 90-90-90.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc. Mục tiêu này được Liên hợp quốc đưa ra nhằm đến năm 2020 sẽ có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Mục tiêu của nước ta là đến năm 2030 sẽ tiến tới kết thúc đại dịch AIDS nên thái độ sống tích cực của người nhiễm HIV/AIDS và sự chia sẻ, thông cảm của mọi người đối với họ sẽ giúp mục tiêu này nhanh chóng đạt được.

Bình luận