Chờ...

Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật du lịch sửa đổi

(VOH) - Để Luật du lịch bắt kịp với hoạt động du lịch nước ta trong tình hình mới, sáng nay (28/6), tại TPHCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi của Luật này với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, các đơn vị lữ hành đại diện ở khu vực phía Nam.

Hình ảnh hội nghị (Ảnh: Hữu Nghị)

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Luật Du lịch được chính thức thông qua từ tháng 6/2005 với 11 chương và 88 điều.

Đến nay, sau 11 năm áp dụng vào thực tế, những phạm vi của Luật đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, mở đường cho nhiều doanh nghiệp du lịch phát triển lớn mạnh, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của đất nước, của ngành du lịch, những phạm vi, điều khoản của Luật du lịch hiện đã không còn phù hợp nên cần sự đóng góp ý kiến của các cá nhân, doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong ngành. Ông Thọ phân tích: “Trong tình hình mới, chúng ta phải có một bộ máy pháp lý, thậm chí các doanh nghiệp còn phải dùng luật sư để nghiên cứu và đóng góp cho Luật. Bởi một khi Luật đã được thông qua thì không có cách gì sửa đổi được nữa mà phải chờ đến giai đoạn sau mới sửa đổi được”.

“Hôm nay chúng ta phải đóng góp thẳng thắn nhất, làm sao phát huy tinh thần tập thể vì nếu chúng ta càng hời hợt, càng lỏng lẻo thì chúng ta càng thiệt thòi. Luật pháp hết sức chặt chẽ và quan trọng, mọi công dân, mọi tổ chức đều phải tuân hành luật pháp” – ông Thọ nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, ông Võ Anh Tài, TGĐ Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã phân tích về những hạn chế cần thay đổi của Luật, trước tiên là việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Để minh bạch, tránh nhầm lẫn giữa các hoạt động lữ hành, nên chăng phải quy định rõ thế nào là hoạt động lữ hành quốc tế, đối tượng kinh doanh nào cần được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế? Với 1.500 doanh nghiệp được cấp phép lữ hành quốc tế hiện nay là quá nhiều so với nhu cầu thực tế.

“Các quầy bán tour với chương trình đầy đủ, trực tiếp cho khách quốc tế, nội địa tại các khách sạn hay các văn phòng bán tour trực tiếp cho khách du lịch lưu trú, khách du lịch tự do tại các thành phố du lịch hiện nay liệu có cần phải có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa hoặc quốc tế hay không? Nếu có, tôi đề nghị phải bổ sung cụ thể, nếu không chúng ta cũng nên có xác nhận và ý kiến chính thức để trong trường hợp có các vấn đề, sự cố xảy ra chúng ta không xem những loại hình kinh doanh này là không phép và không ai quản lý” – ông Tài nêu ý kiến.

Khách du lịch thăm cơ sở làm miến (Ảnh: Hữu Nghị)

Bổ sung về những thiếu sót trong dự thảo Luật du lịch sửa đổi lần này để sớm trình Quốc hội khóa mới thông qua, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, kinh doanh trực tuyến, lữ hành, lưu trú hiện nay chưa có những quy định kiểm soát cụ thể. Việc quản lý về giá cả, chất lượng tour, nghĩa vụ thuế đối với loại hình kinh doanh trực tuyến ở lĩnh vực du lịch chưa được đề cập đến.

Ông Trịnh Xuân Dũng, nguyên Phó chánh văn phòng, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Luật du lịch (Tổng cục Du lịch) nói: “Tôi có 3 vấn đề lo lắng cho lữ hành của chúng ta. Lo lắng đầu tiên là thương mại điện tử trực tuyến. Bây giờ người ta mua bán tour trên mạng, đăng ký xe, đăng ký khách sạn, hướng dẫn viên... trên mạng. Nhưng mạng là trên toàn thế giới, ở Mỹ, châu Âu người ta đều mua được. Cho nên, câu hỏi là thương mại điện tử này ai quản lý? Đã có luật thương mại điện tử rồi nhưng hiện mới chỉ có thương mại về hàng hóa chứ chưa có thương mại về du lịch”.

Ngoài 3 vấn đề trọng tâm vừa nêu, trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành cũng đóng góp nhiều ý kiến cho việc quản lý hoạt động của các hướng dẫn viên du lịch, vai trò của Hiệp hội Du lịch chuyên ngành, Hiệp hội du lịch các địa phương. Nên chăng phân cấp cho Hiệp hội du lịch một số hoạt động khác để nâng cao vai trò của hiệp hội; phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo nhân lực ở lĩnh vực du lịch để đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, những ý kiến đóng của doanh nghiệp sẽ được tổng hợp để tiếp tục xem xét, thay đổi trước khi trình Quốc hội thông qua. Sau hội nghị, những ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật du lịch sửa đổi lần này sẽ tiếp tục tiếp nhận qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và website của Bộ VHTT&DL, Tổng cục du lịch.