Trước đó, để có thể qua sông đến trường, hàng trăm em học sinh và người dân ở xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An phải đi qua cây cầu được nối bằng 3 cây tràm nhỏ, cột bằng những sợi dây mỏng manh. Tay vịn chỉ là một cây tre ọp ẹp, mục ruỗng. Những khi trời mưa lớn, nước dâng cao, cây cầu trở nên chông chênh, học sinh phải bò qua cầu đi học hoặc đi bộ đường vòng 5 cây số. Sau khi chương trình kêu gọi thính giả ủng hộ 150 triệu đồng xây chiếc cầu mới dài 27 mét, rộng 2,2 mét, đó chính là giấc mơ mấy chục năm qua mà người dân ngỡ rằng không thể chạm đến. Khi chiếc cầu được xây xong, có người dân chia sẻ vui không ngủ được, lên cây cầu mới đi đi lại lại để cảm nhận niềm vui vỡ òa trong lòng:
Cầu kênh Thống Nhất, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trước và sau khi hoàn thành. (ảnh: Hồng Thúy)
Còn ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cây cầu gỗ bắc qua kênh Thống Nhất đã mục từ lâu, mùa mưa cây cầu ngập sâu trong nước. Bên kia cầu là một trường tiểu học với cả ngàn học sinh, người lớn sợ các em té nên đã giăng lưới xung quanh cầu, nhưng lưới cũng đã cũ rách theo thời gian. Từ sự ủng hộ 270 triệu đồng của Công ty Dầu Khí Côn Sơn, nay cây cầu bêtông vững chãi đã thay cho cây cầu khỉ:
Trước kia, các em học sinh ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Qưới, thị xã Ngã Năm, tỉnh SócTrăng, đến trường đều phải vượt qua con kênh bằng lồng sắt.
Các em học sinh tung tăng đi học qua cây cầu Vĩnh Hòa vững chãi được xây dựng thay thế lồng sắt. (ảnh: Hạ Hòa)
Cũng không có phương tiện để cho các em nhỏ qua dòng kênh sâu đến trường, người dân ở xã Vĩnh Qưới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã phải dùng chiếc lồng sắt chông chênh để qua bên kia bờ. Người dân và các em nhỏ phải đu mình trong chiếc lồng sắt mỏng manh, nguy hiểm để sang sông. Và bây giờ giấc mơ đã thành hiện thực từ Công ty Bayer Việt Nam đã tài trợ 230 triệu đồng xây chiếc cầu mới.
Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM bày tỏ niềm vui cùng người dân địa phương trong buổi lễ khánh thành cầu kênh Thống Nhất.(ảnh: Hạ Hòa)
Khi đi lại trên cả 3 cây cầu trước đây, đã có người dân, học sinh rơi xuống khi nước lũ tràn về, có trường hợp đau lòng, người dân không dám qua cầu ọp ẹp, phải lội giữa dòng đã bị nước lũ cuốn trôi. Đây là những địa phương nghèo đã vận động trong thời gian dài mà không đủ kinh phí để nối hai bờ sông an toàn, thuận tiện cho người dân. Giờ đây ba cây cầu bê tông cốt thép vững chãi có chiều rộng từ 2-3m, với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng đươc khánh thành. Tham dự lễ khánh thành 3 cây cầu mới ở Long An, Đồng Tháp và Sóc Trăng, ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM phấn khởi cho biết:
Từ sự kêu gọi thính giả của chương trình, dù không có hình ảnh minh họa chông chênh, có nguy cơ gẫy đổ của những cây cầu mục nát nhưng qua làn sóng phát thanh đã được thính giả chia sẻ để chung tay làm nên những cây cầu bê tông kiên cố này. Bày tỏ về niềm vui đi lại trên những chiếc cầu mới, người dân hứa sẽ gìn giữ cẩn thận cho hôm nay và cho cả thế hệ mai sau. Giờ đây khi đi trên những cây cầu mới có thể cảm nhận dấu ấn tình người in đậm trên những nơi chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đi qua.