TPHCM làm việc với 4 địa phương về tình hình thực hiện dự án Vành đai 3, Vành đai 4
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết với Dự án xây dựng đường Vành đai 3, đến nay các địa phương cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phối hợp tham mưu trình Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án.
UBND TPHCM và UBND tỉnh Long An đã phê duyệt các dự án thành phần cơ bản đáp ứng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ. Các dự án thành phần bồi thường, bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã được phê duyệt.
Về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, hiện nay, các địa phương đang khẩn trương tổ chức thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn tuyến.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị, đối với đường Vành đai 3, cần tập trung hoàn thiện phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường. Qua đó, báo cáo Bộ Tài nguyên để có văn bản chính thức sớm nhất; đồng thời hoàn thiện thủ tục thiết kế kỹ thuật để phê duyệt, chuẩn bị cho công tác khởi công vào tháng 6/2023.
Liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Mãi đề nghị phấn đấu đưa việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư của Dự án Vành đai 3 là kiểu mẫu, sao cho người dân đồng thuận, vui vẻ đóng góp cho công trình.
Với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, hội nghị đã thống nhất quy mô quy hoạch của dự án là 6-8 làn xe, trong đó giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô thiết kế, hình thức dự án là PPP, đề nghị áp dụng ngân sách theo cơ chế đường Vành đai 3.
“Nếu chúng ta phấn đấu khởi công Vành đai 4 dịp 30/4/2025 thì đây là thời gian có ý nghĩa”, ông chia sẻ.
Dự án Vành đai 3 TPHCM (tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng), có chiều dài hơn 76km, đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026.
Dự án Vành đai 4 (tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng), dài gần 200 km, đi qua TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, Dự kiến đưa vào khai thác từ quý I năm 2028.