Phó Thủ tướng: Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

VOH - Sáng 14/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II diễn ra tại Bình Dương.

Với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động", diễn đàn là sự kiện quan trọng, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế số, xã hội số.

Diễn đàn hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số của Việt Nam.

pho-thu-tuong-141124
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, toàn cầu - Ảnh: VGP

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số đạt được nhiều kết quả tích cực, lan tỏa sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa.

Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số vào tất cả các ngành, lĩnh vực; ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường nhằm thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.

Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Cụ thể, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tạo tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực. Với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số đã tạo ra 1,5 triệu việc làm; doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD, tăng 18,3%; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD…

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được phải thẳng thắn, nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải tiếp tục được đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới.

Nổi lên là, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm; kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng; phát triển dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu".

Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt mục tiêu đề ra; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội còn nhiều bất cập, chưa thường xuyên, liên tục, trọng tâm, trọng điểm…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, toàn cầu, là sự lựa chọn mang tính chiến lược; vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức. Quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững.

Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.

Bình luận