Chờ...

Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với TP Hà Nội về chống buôn lậu, gian lận thương mại

(VOH) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhất trí với báo cáo của TP. Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua.

Chiều 19/5, tại UBND TP. Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã làm việc với TP. Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

gian lận thương mại, chống buôn lậu, buôn lậu

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TP. Hà Nội. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhất trí với báo cáo của TP. Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh một số nội dung như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Trong đó, có sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng, các lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm; hàng giả, hàng kém chất lượng còn bày bán công khai, cả trên website; chưa đánh trúng đối tượng cầm đầu, chưa tạo được sự răn đe với đối tượng buôn lậu.

Trong năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp của TP. Hà Nội phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Thủ trưởng các lực lượng chức năng, Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn, có cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Đối với Ban Chỉ đạo 389 của Thành phố, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của mình thời gian qua, xác định rõ nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới; có kế hoạch, chương trình công tác phù hợp với tình hình cụ thể; có chế độ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời, bảo đảm nâng cao hiệu quả phối hợp; kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Xây dựng quy chế xác định trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trên từng địa bàn, lĩnh vực được giao, khi có vụ việc xảy ra phải xác định được trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện các gói thầu mua sắm tài sản công, nhất là trang thiết bị y tế; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi chuyển giá, nâng khống giá mua để trục lợi bất chính.

Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần chủ động phối hợp với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia và các lực lượng chức năng của Trung ương xây dựng các kế hoạch nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với một số địa bàn trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hành vi phạm sở hữu trí tuệ; đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại điện tử; kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ đối với các sản phẩm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các lực lượng chức năng của Thành phố cần quán triệt, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với lực lượng chức năng ở Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai... để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ, phân phối, tập trung vào cả 3 tuyến đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Xác lập các chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết, trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết bị y tế, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật nhưng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả lừa dối người dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu TP. Hà Nội cần tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm mà các lực lượng đã phát hiện thời gian qua. Phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng để sớm đưa ra xét xử trước pháp luật; tuyên truyền kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa vi phạm. Tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng thực hiện nghiêm việc thanh tra kiểm tra theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu phát hiện sai phạm vẫn phải kiểm tra, thanh tra.

Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phương thức thủ đoạn, cách phòng ngừa; tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Tiếp tục xây dựng mô hình toàn dân chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Toàn dân tố giác các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả… Bên cạnh đó, phải kịp thời khen thưởng, bảo vệ những người dũng cảm tố giác tội phạm, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; giáo dục cho thanh thiếu niên tuân thủ pháp luật, nhất là các hoạt động kinh doanh của giới trẻ hiện nay.