Quốc hội ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8

VOH - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Sau hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đánh giá hoạt động này diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Các nội dung chất vấn tập trung vào lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Quốc hội cũng nhận thấy vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý ở các lĩnh vực được chất vấn.

TRan Thanh Man 2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát. Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Chính phủ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng trước tháng 6-2025, nhằm hạn chế đầu cơ vàng, chuyển nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.

Trong lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tăng cường triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết liên quan, đặc biệt chú trọng đến việc cấp giấy phép hành nghề, cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh một cách minh bạch, nhanh chóng. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên nền tảng thương mại điện tử.

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí và chất gây nghiện từ năm 2025. Chính phủ được giao nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên, về tác hại của các chất này.

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm phát triển lĩnh vực này một cách đồng bộ, hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới báo chí, thông tin điện tử giai đoạn 2021-2030 và nghiên cứu cơ chế tài chính mới cho các cơ quan báo chí.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động báo chí, ngăn chặn tình trạng "báo hóa" tạp chí và trang thông tin điện tử tổng hợp.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ trưởng và cơ quan ngang bộ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết và báo cáo kết quả tại các kỳ họp sau. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước.

 
Bình luận